Sinh hoạt trong nội bộ Đảng - Chưa quen nghe ý kiến trái chiều

Sinh hoạt Đảng còn... tùy hứng
Sinh hoạt trong nội bộ Đảng - Chưa quen nghe ý kiến trái chiều

“Sinh hoạt Đảng không đều, dân chủ trong nội bộ Đảng không cao, nhất là chưa có thói quen nghe ý kiến trái chiều - là nguyên nhân cơ bản chưa phát huy hết năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng” - Đó là nhận định của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM về tình hình sinh hoạt Đảng hiện nay ở nhiều tổ chức Đảng ở TPHCM.

Sinh hoạt Đảng còn... tùy hứng

Qua khảo sát số chi bộ cơ sở ở TPHCM họp 10 kỳ trở xuống, năm 2006 có 55%, năm 2007 có 43,5% và năm 2008 là 41%. Đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở ở nhiều đơn vị cũng có tình trạng tương tự, chẳng hạn 2 tháng sinh hoạt Đảng ủy 1 lần, hoặc 3 tháng sinh hoạt 2 lần, cá biệt có nơi 3 tháng họp một lần. Ở khối doanh nghiệp tư nhân, số kỳ họp của các chi bộ còn ít hơn: khoảng 50% sinh hoạt 9 - 12 kỳ/năm, 30% chi bộ sinh hoạt 6 kỳ/năm trở xuống…

Giải thích việc này, ông Lâm Văn Tiếp (Bí thư Đảng ủy Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp TPHCM) cho biết: “Rất khó bảo đảm sinh hoạt chi bộ hàng tháng! Có doanh nghiệp, nhà máy ở tận Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, còn văn phòng đại diện đặt ở quận 7. Đảng viên trong chi bộ thường phải đi công tác xa nên năm vừa rồi, chi bộ chỉ họp được có 4 lần. Những lần Đảng ủy cấp trên triệu tập về họp, đồng chí bí thư phải nghỉ phép vì chủ doanh nghiệp không giải quyết cho nghỉ để đi họp. Vừa rồi, đồng chí này xin từ chức vì tự thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù anh là một cán bộ kỹ thuật rất giỏi, rất tâm huyết với công tác Đảng!”.

Cùng chung bức xúc, Bí thư Đảng ủy Công ty Dệt May Gia Định Hà Thị Thanh đề nghị Thành ủy nghiên cứu, kiến nghị Trung ương cho phép một số tổ chức Đảng mang tính đặc thù có thể sinh hoạt chi bộ 10 - 11 kỳ/năm hoặc sinh hoạt qua internet, vẫn được coi là hợp lệ.

Song đáng lo ngại hơn là chất lượng sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi còn thấp, có biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí có nơi, tổ chức Đảng bị vô hiệu hóa. Hiện tượng phổ biến hiện nay là đảng viên không dám nói chính kiến của mình, né tránh các vấn đề phức tạp, ngại đấu tranh, nhất là góp ý với cấp trên.

Theo nhận định của UBKT Thành ủy, tình trạng thiếu dân chủ ở đơn vị thường đi đôi với hiện tượng quan liêu, gia trưởng và chuyên quyền. “Có cơ quan, bí thư đồng thời là người đứng đầu đơn vị, dùng quyền lực để điều khiển tổ chức Đảng hoạt động theo ý riêng của mình, hoặc tìm cách không cho ai ngăn cản mình ra những quyết định sai trái” - Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồng Ngọc nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa phải) lắng nghe ý kiến phản ánh của cán bộ và chuyên gia nước ngoài về tiến độ xây dựng công trình hầm vượt sông Sài Gòn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa phải) lắng nghe ý kiến phản ánh của cán bộ và chuyên gia nước ngoài về tiến độ xây dựng công trình hầm vượt sông Sài Gòn.

Không lắng nghe ý kiến trái chiều

Tuy bày tỏ những khó khăn để duy trì sinh hoạt định kỳ ở nhiều tổ chức Đảng, nhất là khối doanh nghiệp, song nhiều đại biểu thắc mắc: phát huy dân chủ trong Đảng có đồng nghĩa với sinh hoạt định kỳ trong Đảng?

“Chi bộ hay bất kỳ tổ chức Đảng cấp nào mà sinh hoạt không đều thì không thể nói phát huy dân chủ trong Đảng. Trong sinh hoạt Đảng, càng phát huy dân chủ sẽ càng khai thác được trí tuệ của mọi người, càng hạn chế được những sai lầm, khuyết điểm, nhất là căn bệnh chủ quan duy ý chí của những người có trách nhiệm ở mỗi cấp, mỗi ngành. Nhưng dân chủ phải đi đôi với tập trung. Phát huy dân chủ đồng thời phải chống dân chủ cực đoan, dân chủ không tuân theo kỷ cương” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua khẳng định tại Hội thảo “Phát huy dân chủ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng để góp phần giảm các vi phạm trong nội bộ Đảng” (do Thành ủy TPHCM tổ chức vào tháng 8-2009).

Bởi trong thực tế, mọi đường lối, chủ trương, tổ chức thực hiện, tổng kết rút kinh nghiệm đều từ sinh hoạt Đảng. Sinh hoạt dân chủ và có chất lượng cao có ý nghĩa quyết định đến dân chủ trong toàn bộ hoạt động của tổ chức Đảng.

Băn khoăn của nhiều Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM được Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Thị Hồng Thủy nhận định: “Sở dĩ dân chủ trong Đảng chưa cao là do chúng ta chưa có thói quen nghe ý kiến trái chiều!”.

Có đơn vị đã phải trả giá đắt vì không lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, ý kiến trái chiều đầy trách nhiệm của cấp dưới. Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM Lê Hữu Đức dẫn chứng: “Trong cuộc họp Đảng ủy và ban giám đốc của một công ty bàn về mua thiết bị máy móc, chỉ có một ý kiến không tán thành vì nói rằng “máy cũ, có vấn đề về giá cả”. Song ý kiến trên không được xem xét thấu đáo, nên khi tiêu cực xảy ra, tập thể đơn vị mới nhận ra ý kiến trái chiều là... đúng”.

“Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông! Nên những ý kiến trái chiều cần phải được lưu giữ tại đơn vị, và cấp trên cũng nên định kỳ nghe những ý kiến bảo lưu, những ý kiến trái chiều ở cấp dưới” - ông Lê Hữu Đức nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu đồng tình cách đặt vấn đề của UBKT Thành ủy: lãnh đạo không nghe những ý kiến trái chiều đầy tâm huyết là không làm đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo; sinh hoạt dân chủ mà không nghe những ý kiến trái chiều là không dân chủ, là đi ngược với nguyên tắc tập trung dân chủ. Do vậy, việc luân chuyển những người dám đấu tranh cần phải làm công khai, minh bạch để tránh dư luận cho là trù dập...

“Không tái bổ nhiệm, không cấu tạo lại những đảng viên không thể hiện chính kiến, không đóng góp vào sự lãnh đạo của tập thể”.

(Đề xuất của UBKT Thành ủy TPHCM tại hội thảo “Phát huy dân chủ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng để góp phần giảm các vi phạm trong nội bộ Đảng”)

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục