Phát huy dân chủ trong Đảng - Những bài học từ thực tế

Đứng dậy sau vấp ngã
Phát huy dân chủ trong Đảng - Những bài học từ thực tế

Phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng là một chủ đề đã được luận bàn, đúc kết ở nhiều hội nghị, hội thảo, nghị quyết các cấp từ tỉnh, TP, đến Trung ương. Tại hội nghị giao ban giữa Thành ủy và Bí thư 24 quận, huyện vừa qua, một lần nữa, chủ đề trên lại được đem ra bàn luận sôi nổi. Nét mới là một số đại biểu – bí thư, phó bí thư các quận huyện “có vấn đề” như quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn… - đã nhìn lại mình, để phân tích, rút ra bài học…

Đứng dậy sau vấp ngã

“Nếu tổ chức Đảng khép kín, không chịu sự giám sát của nhân dân thì không thể thực hành dân chủ nội bộ” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua phát biểu tại giao ban giữa Thành ủy và Bí thư 24 quận, huyện.

Nhìn lại vụ án Công ty Địa ốc Gò Môn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Gò Vấp Trần Văn Khuyên nhìn nhận: “Để phát huy dân chủ trong Đảng, trước hết phải ban hành quy chế và làm việc theo quy chế”. Sau khi xây dựng quy chế và nghiêm túc, kiên trì thực hiện, đến nay, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng quận Gò Vấp đã đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhờ đó, Gò Vấp đã tạo được sự thống nhất trong nội bộ, phòng ngừa những biểu hiện chuyên quyền, độc đoán của người đứng đầu và tình trạng lợi dụng dân chủ để bôi nhọ, gây mất đoàn kết. Đáng chú ý, Quận ủy đã cụ thể hóa quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Khi bàn về cán bộ, điều gì chưa thống nhất hoặc thiếu thông tin, Quận ủy Gò Vấp tiếp tục lấy ý kiến từng đồng chí trong Thường vụ, giao Ban Tổ chức bổ sung, làm lại hồ sơ, biểu quyết bằng phiếu kín…

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Văn Hoa đúc kết từ kinh nghiệm của cấp ủy địa phương: “Phải tạo dựng được niềm tin! Việc xử lý dứt điểm 16 vụ sai phạm (chủ yếu những trường hợp trước đây vi phạm nay mới phát hiện) đã góp phần tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những việc liên quan đến công tác cán bộ, tài chính, mua tài sản, xây dựng… phải quyết định trong tập thể cấp ủy Đảng theo đúng quy định Nhà nước”. Nhiều vụ tiêu cực đất đai ở Hóc Môn có nguyên nhân từ quan hệ thân tộc trong cán bộ với nhau, nên khi tiêu cực xảy ra, mọi người cùng… im lặng.

Rút kinh nghiệm từ nguyên nhân này, quận Gò Vấp đã ban hành quy định không bố trí cán bộ là người thân trong gia đình làm chung một cơ quan; không bố trí cán bộ, nếu có sai phạm mà chưa xử lý tại đơn vị… Đồng thời Quận ủy tăng cường đi cơ sở giám sát, quản lý đất đai, các dự án công trình phúc lợi, chương trình giảm hộ nghèo, bảo vệ an ninh trật tự…

Huyện ủy Hóc Môn chủ trương mở rộng dân chủ xã hội bằng việc tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ vậy, việc công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, nhất là các dự án triển khai trên địa bàn đã tới 100% tổ nhân dân với sự tham gia của hầu hết các hộ dân (trước đây chỉ có 20% bà con dự họp).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa phải) nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị thi công Dự án thoát nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong chuyến đi giám sát các công trình trọng điểm do Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa 8 đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa phải) nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị thi công Dự án thoát nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong chuyến đi giám sát các công trình trọng điểm do Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa 8 đề ra.

Nhận định về mối quan hệ dân chủ trong Đảng và trong xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua khẳng định: “Dân chủ trong sinh hoạt Đảng là điều tất yếu và có ý nghĩa quyết định dân chủ trong toàn bộ hoạt động của tổ chức Đảng. Dân chủ trong Đảng là tiền đề của dân chủ xã hội; dân chủ trong xã hội là môi trường để phát triển dân chủ trong Đảng”.

Hạn chế dân chủ trong Đảng, do đâu?

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, tình trạng sinh hoạt Đảng không đều, nặng hình thức, ý thức tự phê bình và phê bình yếu, tính chiến đấu giảm sút còn phổ biến trong sinh hoạt Đảng ở nhiều chi bộ, Đảng bộ cơ sở và cấp ủy quận, huyện.

Bí thư Quận ủy quận 7 Trần Công Dân thừa nhận: “Còn nhiều chi bộ khu phố có đông cán bộ nghỉ hưu, do thiếu thông tin, ít thực tiễn nên khi ra nghị quyết không sâu sát; nhiều ý kiến nêu tiêu cực nơi khác rồi phê phán cấp trên, trong khi ít bàn đến thực tế ở khu phố! Có đảng viên còn nói một đằng, làm một nẻo, bỏ phiếu một đường”.

Tình trạng “mất sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo” ở các tổ chức cơ sở Đảng ở TPHCM như Phó Bí thư huyện Cần Giờ phản ánh, đó là việc tổ chức Đảng không phát hiện được tiêu cực trong nội bộ mà “chỉ được biết khi báo chí đăng tải hoặc do cấp trên phát hiện”. Một nguyên nhân cơ bản là cấp ủy, đơn vị mà trước hết là người đứng đầu - chưa nêu gương chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Lê Văn Hòa bổ sung: “Nếu người đứng đầu cấp ủy không gương mẫu chấp hành nguyên tắc Đảng và quy chế làm việc, sẽ nảy sinh sự nể nang, ngại đụng chạm, không dám bảo vệ lẽ phải”. Có thực tế, thói quen tự phỉnh nịnh và ưa nịnh phát triển cùng với thái độ dị ứng, thậm chí ghét bỏ những ai phê bình mình trong sinh hoạt Đảng đang làm rất nhiều đảng viên nhụt chí đấu tranh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Nguyễn Hồng Ngọc nhận xét từ các vụ sai phạm: “Năm nào cũng kiểm điểm, cũng phân loại cán bộ, đảng viên, có khi là tốt hết, vậy mà năm nào cũng có người vi phạm! Nguyên nhân chính là do không phát huy dân chủ trong Đảng. Phát huy dân chủ và chống tham nhũng là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau”.

Cũng tìm nguyên nhân hạn chế dân chủ trong Đảng, Bí thư Quận 7 Trần Công Dân, cho rằng: “Thủ tục hành chính trong Đảng còn nặng nề quá, cải cách chậm chạp, chưa tương xứng với cải cách hành chính ở khối Nhà nước”.

Còn quận Gò Vấp, có bài học:  không phát huy năng lực giám sát của MTTQ, đoàn thể; không kịp thời xử lý thông tin dư luận xã hội, nhất là dư luận về cán bộ thì không thể làm tốt công tác lãnh đạo, điều hành và phát huy dân chủ trong Đảng.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục