Chống quan liêu, vô cảm trong thực thi công vụ

“Làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu dân thật tốt?” - câu hỏi đặt vấn đề của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy về kinh nghiệm nâng cao trách nhiệm phục vụ dân; phòng chống tình trạng nhũng nhiễu, vô cảm, gây phiền hà dân trên địa bàn TP đã “chạm” vào điểm yếu của các đơn vị. Hội nghị được tổ chức ngày 28-2; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng chủ trì hội nghị.

“Làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu dân thật tốt?” - câu hỏi đặt vấn đề của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy về kinh nghiệm nâng cao trách nhiệm phục vụ dân; phòng chống tình trạng nhũng nhiễu, vô cảm, gây phiền hà dân trên địa bàn TP đã “chạm” vào điểm yếu của các đơn vị. Hội nghị được tổ chức ngày 28-2; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng chủ trì hội nghị.

        Công chức biết cười, biết xin lỗi dân: chưa đủ!

Nhìn nhận thực tế, các đại biểu dự hội nghị đều đồng tình thực trạng dù thời gian qua Đảng ủy, lãnh đạo các đơn vị đã tăng cường nhiều biện pháp giáo dục, nhất là thông qua việc học tập, làm theo gương Bác Hồ; qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhưng dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp vẫn than phiền về hiện tượng nhũng nhiễu, vô cảm, gây phiền hà dân; còn tự xem mình là “quan”, có quyền “ban phát, giúp dân, không phải phục vụ dân”, tiếp dân nóng nảy, cáu gắt, thiếu tôn trọng...

Do đó, để củng cố, tạo dựng lại hình ảnh người cán bộ, công chức (CBCC), chiến sĩ lực lượng vũ trang vì dân phục vụ, một trong những giải pháp, kinh nghiệm của hầu hết các đơn vị là xây dựng văn hóa ứng xử, thông qua các hoạt động như tọa đàm, tập huấn, mời chuyên gia đến nói chuyện, ra sách, cẩm nang…

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, xây dựng văn hóa giao tiếp cho đội ngũ chỉ mới là một việc cần nhưng rất nhỏ, “nếu chỉ cười vui vẻ với dân mà bỏ qua cuộc sống của dân thì không được. Nếu thấy quy định có những nội dung chưa thật sát thì lương tâm của người CBCC là phải báo cáo, đề xuất để giải quyết. Phải suy nghĩ để làm sao phục vụ được thì mới là phục vụ dân đúng nghĩa”- đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.

Thống kê của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM cho thấy thực trạng rất đáng suy nghĩ: Một số cơ quan, đơn vị giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, hồ sơ hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp còn tồn đọng khá nhiều (từ 10% - 25%). Trong đó, Cục Thuế TPHCM còn tồn 162 đơn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP trễ hẹn 1.066 hồ sơ hành chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP còn 1.543 hồ sơ trễ hẹn, Sở Y tế còn 1.205 hỗ sơ trễ hẹn…

        Công khai, minh bạch, tiếp dân, đối thoại với dân

Để thái độ không hài lòng của người dân ngày càng giảm, hầu hết các đơn vị đều có những giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm đồng thời giám sát chặt đội ngũ. Trong đó, công khai, minh bạch thủ tục hành chính là một trong những cách làm chủ yếu của các đơn vị để phòng, chống tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà dân, doanh nghiệp. Sở LĐTB-XH, Sở GD-ĐT, Sở Công thương, Sở PCCC… thường xuyên tổ chức lấy phiếu thăm dò tỷ lệ hài lòng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp để chấn chỉnh đội ngũ kịp thời. Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nhi đồng 2 Hà Mạnh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi lắng nghe dư luận quần chúng từ nhiều kênh khác nhau: ý kiến đóng góp của khoa, phòng; các chi bộ; từ hộp thư điện tử của công đoàn; sinh hoạt thân nhân định kỳ; hộp thư góp ý của người nhà bệnh nhân; đường dây nóng, phiếu thăm dò để từ đó chúng tôi ghi nhận thông tin phản hồi về tinh thần, thái độ của công chức, viên chức trong phục vụ bệnh nhân, trong quan hệ công tác với đồng nghiệp cũng như kịp thời phát hiện sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ của công chức”.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại với dân, doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; thực hiện tốt việc nêu gương, nhất là người đứng đầu đơn vị; tăng thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm CBCC, chiến sĩ lực lượng vũ trang có biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu, vô cảm, vi phạm pháp luật để làm gương; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở… cũng là những giải pháp tích cực được các đơn vị tập trung thực hiện để lấy lại niềm tin trong dân.

“Mỗi nơi, mỗi người nỗ lực một chút để thu hẹp lại điều mà người dân đang bức xúc để từ đó tăng sự hài lòng của dân lên, qua đó cũng tăng sự tự tin của CBCC. Đó chính là thiết thực góp phần củng cố niềm tin trong dân. Còn cứ sai mà không sửa, cứ xem thường để rồi từ đó chuyện bất bình thường, những cái xấu, cái dở, chuyện tồi tệ lại trở thành điều bình thường, thành điều phổ biến thì sẽ đặc biệt nguy hại cho Đảng, cho chế độ, cho cuộc sống của nhân dân” - đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục