Chi bộ Đảng trên cánh đồng liên kết

Trong lúc nhiều nơi đang gặp khó về việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thì ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) lại khẳng định hướng đi đúng bằng mô hình cánh đồng liên kết. Mô hình này đã kết nối chặt chẽ giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó mà thu nhập của người dân được nâng cao. Phú Đức cũng là xã đầu tiên ở vùng ĐBSCL thành lập chi bộ Đảng trong mô hình cánh đồng liên kết.
Chi bộ Đảng trên cánh đồng liên kết

Trong lúc nhiều nơi đang gặp khó về việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thì ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) lại khẳng định hướng đi đúng bằng mô hình cánh đồng liên kết. Mô hình này đã kết nối chặt chẽ giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó mà thu nhập của người dân được nâng cao. Phú Đức cũng là xã đầu tiên ở vùng ĐBSCL thành lập chi bộ Đảng trong mô hình cánh đồng liên kết.

        Chủ động liên kết

Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ, ngụ ấp K8, nhớ lại: “Năm 1972, gia đình tôi từ An Giang sang đây lập nghiệp. Thời đó đất đai hoang hóa, nhiễm phèn nặng nên chỉ làm được 1 vụ lúa nhưng năng suất rất thấp. Để chinh phục vùng đất này, chính quyền cùng người dân đào nhiều con kênh thủy lợi để hạ phèn; quy hoạch lại đồng ruộng, làm đê bao, bờ vùng… từng bước nâng lên sản xuất 2 vụ. Năng suất lúa từ 2 - 3 tấn/ha tăng dần lên 5 - 6 tấn/ha, rồi 7 - 8 tấn/ha… Lúc này ai cũng khẳng định chọn cây lúa là hướng đi đúng”.

Cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức đem lại hiệu quả thiết thực.

Cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhưng rồi những năm lũ lớn như 2000 và 2002, khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng. Để ổn định sản xuất, xã Phú Đức tiến hành quy hoạch 6 ô bao chống lũ triệt để, bảo vệ 1.750ha đất lúa. Nhờ đó, nông dân Phú Đức áp dụng canh tác 3 vụ lúa/năm. Để tránh nỗi lo được mùa, rớt giá, rồi gặp cảnh bị thương lái “ép” giá, Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức đoàn thể tiến hành vận động nông dân xây dựng mô hình cánh đồng liên kết, theo hướng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Vụ hè thu năm 2012, hơn 400ha đất của 143 xã viên thuộc 2 hợp tác xã Tân Tiến và Phú Bình được triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với sự bao tiêu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại Võ Thị Thu Hà (Đồng Tháp). Theo đó, nông dân được ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, máy phun xịt, giống, thời gian thăm đồng và cách phòng trị sâu bệnh gây hại… Công ty hỗ trợ về vốn, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Nhờ đó, người dân tăng được lợi nhuận khoảng 30% so với sản xuất bên ngoài.

        Đột phá để phát triển bền vững

Đồng chí Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đức khẳng định, mô hình cánh đồng liên kết là hướng đi đúng trong thời buổi sản xuất lúa gạo theo kinh tế thị trường. Cụ thể, cứ qua vụ sản xuất thì nhu cầu người dân tự nguyện xin tham gia vào mô hình cánh đồng liên kết tăng vọt. Điều này cho thấy bà con đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp một cách tích cực. Song để phát triển bền vững, vấn đề quan trọng là phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng.

Đồng chí Hà Ngọc Ánh, Bí thư Huyện ủy Tam Nông cho biết, qua khảo sát có 18 đảng viên ở 2 ấp K8 và K9 có đất sản xuất trong cánh đồng liên kết. Huyện thống nhất với đề nghị của Đảng ủy xã Phú Đức cho thành lập chi bộ Đảng ngay tại cánh đồng liên kết. Sự hình thành tổ chức Đảng tại đây nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt của cấp ủy trong lãnh đạo đảng viên, đoàn thể, người dân tham gia tích cực quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong cánh đồng liên kết, hợp tác chặt hơn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân; đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập cho từng hộ canh tác; đồng thời nâng cao nhận thức về sản xuất theo nhu cầu thị trường.

“Phải xem mô hình cánh đồng liên kết là vấn đề sống còn, trong đó sự gắn kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân sản xuất là mấu chốt. Vì thế, doanh nghiệp phải xem nông dân là bạn, là người tạo ra vùng lúa nguyên liệu chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu; phía nông dân cũng xem doanh nghiệp là đối tác tin cậy, là người đồng hành cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá có lợi. Do đó, để kéo doanh nghiệp và nông dân cùng nhìn về một hướng, cùng chung tay đầu tư phát triển bền vững cánh đồng liên kết thì vai trò của tổ chức Đảng phải được phát huy mạnh mẽ”, ông Hà Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Từ suy nghĩ táo bạo này, đề án thí điểm xây dựng mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể trong cánh đồng liên kết được trình lên Tỉnh ủy Đồng Tháp và được tập thể thống nhất cao. Ngày 25-3-2014, chi bộ Đảng Bình Tiến thuộc cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức được thành lập với 9 đảng viên. Bên cạnh đó, Chi hội Nông dân Bình Tiến cũng ra đời với 275 hội viên tham gia. Ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - thương mại Võ Thị Thu Hà phấn chấn: “Chúng tôi rất bất ngờ và đánh giá cao việc tỉnh Đồng Tháp cho thí điểm thành lập chi bộ Đảng trong mô hình cánh đồng liên kết, với quyết tâm khắc phục những hạn chế tồn tại để tiến tới phát triển bền vững mô hình này. Doanh nghiệp cũng xác định cánh đồng liên kết là hướng đi đúng nên không ngừng mở rộng diện tích, đồng thời đầu tư xây nhà máy xay xát, các kho chứa lúa gạo lớn tại đây… nhằm tạo thuận lợi trong việc thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo”.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay, nông dân phải giải được bài toán “trồng giống gì, bán ở đâu, bán cho ai…”; còn doanh nghiệp cũng phải giải được bài toán “mua lúa gì, mua ở đâu, mua của ai…”. Và mô hình thành lập chi bộ Đảng trong cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức cũng nhằm giải quyết bài toán này bằng cách làm cụ thể, hiệu quả, chứ không nói chung chung, hô hào khẩu hiệu… Đây là sự đột phá rất đáng được kỳ vọng.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục