Quy hoạch người trẻ

Quy hoạch người trẻ

Theo đồng chí Võ Tiến Sĩ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, tuyển chọn người trẻ tiêu biểu để đào tạo, rèn luyện tại cơ sở nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận cho các cấp là một chủ trương được TPHCM khởi xướng từ năm 1999 đến nay. Trong đó có 3 chương trình được TPHCM đầu tư thực hiện công phu (Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân) và đã có 2.272 cán bộ được đưa vào các diện quy hoạch này. Nhiều bạn trẻ hoàn thành chương trình đưa về cơ sở đã khẳng định được mình, tạo ra một lớp cán bộ trẻ kế thừa năng động, nhiệt huyết và vững vàng chuyên môn. Riêng Chương trình đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ đã cung cấp hơn 510 cán bộ trẻ về công tác tại các sở ban ngành, quận huyện.

        Mở đường cho người trẻ

Tháng 6-2013, Nguyễn Thị Ánh Hoa (SN 1977), công tác tại Phòng Kế hoạch - Đầu tư của Sở Xây dựng được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, phụ trách kinh tế. Cùng với tập thể lãnh đạo chủ chốt quận - đa phần là cán bộ trẻ, chị Hoa đã góp phần đưa kinh tế quận khởi sắc hơn, tiếp tục tham gia “Câu lạc bộ nghìn tỷ” của TPHCM và từ một điểm “nóng” của TP trong quá khứ về tranh chấp lao động dịp tết, Gò Vấp chỉ để xảy ra 1 vụ tranh chấp không lớn trong năm 2013! Ánh Hoa là một trong số 772 học viên của Chương trình đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ mà TPHCM khởi xướng từ năm 2001 đến nay.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc điện thoại của Ánh Hoa. Chị ái ngại: “Các cơ sở gọi hỏi về hội nghị đối thoại lần 3 mà quận phối hợp với sở, ngành TP, Ngân hàng Nhà nước, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tổ chức. Các hộ kinh doanh, DN quan tâm vì đây là cơ hội để trực tiếp gặp gỡ, trình bày với sở ngành TP về những khó khăn vướng mắc và là dịp tiếp cận, tìm hiểu các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, làm tiền đề cho các đợt ký kết hỗ trợ vay vốn ưu đãi sắp tổ chức trên địa bàn quận”. Khi đề cập đến các hoạt động hỗ trợ DN, lao động trên địa bàn quận, Ánh Hoa sôi nổi hẳn. Cùng tham gia tổ chức nhiều cuộc đối thoại có hiệu quả trong năm 2013, năm 2014, chị mạnh dạn đề xuất UBND quận thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và lên kế hoạch tổ chức gần 10 cuộc đối thoại giữa DN với chính quyền, giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng… với nhiều nội dung phong phú, thiết thực nhằm đưa công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đi vào chiều sâu, có hiệu quả thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Thị Ánh Hoa (bìa phải) tham gia phiên chợ công nhân trên địa bàn quận.

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Thị Ánh Hoa (bìa phải) tham gia phiên chợ công nhân trên địa bàn quận.

        Thử thách ở ghế nóng

Sau 17 tuần đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND quận 1 phụ trách kinh tế, cải cách hành chính, trật tự đô thị, an ninh nội chính, tư pháp… Lê Trương Hải Hiếu (SN 1981) nhìn nhận: đây là vị trí nóng và nhiều thử thách! Nhất là khi một số tiêu cực của cán bộ thuế quận vừa bị phanh phui. Với kinh nghiệm trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Bến Thành, là đại biểu HĐND TPHCM nên Hiếu hiểu rõ: “Phải dựa vào dân”. Một mặt, Hiếu tham mưu ban hành những quy định để quản lý, lập lại kỷ cương, quản lý chéo giữa những cán bộ phụ trách lĩnh vực nhạy cảm của quận. Mặt khác, Hiếu đề xuất mở rộng các “kênh” để giám sát cán bộ, đảng viên. Từ hộp thư điện tử, đường dây nóng, tổ cải cách hành chính đến ứng dụng giám sát qua điện thoại di động với “tham vọng” bất cứ người dân, đảng viên nào cũng có thể trở thành “tai mắt” của quận trong quản lý cán bộ.

“Đi, quan sát và vận dụng” là kinh nghiệm mà Hiếu áp dụng triệt để vào vị trí công tác mới. Hiếu bộc bạch: Có lẽ cái khó nhất của một người trẻ khi đảm trách công tác lãnh đạo ở cơ sở là phải được tín nhiệm của người dân và cán bộ, đảng viên. Theo Hiếu, với một người trẻ khi có được một trong những điều quý nhất này và nắm vững chuyên môn, luôn rèn luyện bản lĩnh vững vàng, thì vai trò, tiếng nói của mình ở cơ sở sẽ tạo được sự đồng thuận cao.

        Tin ở đội ngũ trẻ

“Ngày còn ở Ban Quản lý khu Nam, nhận 1 lá đơn của dân đã thấy run, nay là Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú phụ trách quản lý dự án, đền bù giải tỏa, xây dựng… thường xuyên tiếp xúc người dân, xử lý đơn thư, cái run ấy vẫn còn” - Phạm Minh Mẫn (SN 1977) tâm sự. Theo Mẫn, “run” không phải vì sợ, ngại va chạm mà chưa biết có thể xử lý, giải quyết thế nào khiến người dân cảm thấy hài lòng nhất mà vẫn phù hợp các chủ trương, chính sách.

Hiểu rõ tâm trạng, bức xúc của người dân khi khiếu nại, Mẫn ưu tiên dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với từng hộ dân, đeo bám xử lý đến cùng hoặc kiên trì giải thích cho người dân hiểu, ủng hộ chính sách. Thời gian còn lại Mẫn đi cơ sở, lân la về 11 phường để thấu hiểu đời sống người dân hơn khi bắt tay thực hiện đề án về trật tự đô thị. Đây là một trong những mảng khiến người dân mất niềm tin nhất, Mẫn xác định rõ 3 khâu yếu: yếu khâu phát hiện, năng lực cán bộ yếu, phối hợp yếu để từ đó có giải pháp khắc phục trong Đề án đảm bảo trật tự đô thị - triển khai thực hiện trên địa bàn quận. Đề án được Sở Xây dựng bật “đèn xanh”, lãnh đạo quận Tân Phú ủng hộ, Mẫn bắt tay thực hiện. Để khắc phục khâu phát hiện, ở 11 phường sẽ có cán bộ chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm xây dựng để báo về phường, quận xử lý. Để đảm bảo phối hợp, các lực lượng có liên quan cùng ký biên bản chịu trách nhiệm, hàng tuần các phường phải có báo cáo tình hình phát sinh trên địa bàn; giao MTTQ và các đoàn thể, các tổ trưởng tổ dân phố cùng tham gia giám sát trên từng địa bàn cụ thể…

Kết quả thấy rõ nhất là tình trạng xây dựng sai phép trên địa bàn quận giảm mạnh. “Tân Phú là quận “trẻ” của TPHCM nên ở đây, người trẻ nhiều và rất được tin tưởng. Riêng đồng chí Mẫn về và phụ trách, xử lý công việc, chúng tôi an tâm!” - Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phan Tấn Lực đánh giá ngắn gọn, súc tích về cấp phó của mình.

HỒNG HIỆP 

Lớp trẻ nghĩ gì?

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhóm phóng viên Báo SGGP đã gặp một số bạn trẻ TPHCM ghi nhận những tâm tư, cảm nhận, suy nghĩ của thế hệ công dân sinh ra và lớn lên trong thời bình. Các bạn trẻ rất tự tin và có nhiều trăn trở về trách nhiệm của thế hệ mình đối với đất nước.

  • Biết sống là cho...

Sinh ra trong một gia đình với 3 đời tham gia cách mạng, tôi vẫn tâm nguyện tiếp nối lý tưởng và sự nghiệp của thế hệ cha ông, góp sức xây dựng đất nước, hết lòng quan tâm, chăm lo đời sống cho những người dân vẫn còn khó khăn trong xã hội. Với công việc truyền thông trong Trung tâm Công tác xã hội TPHCM, tôi quan tâm đưa những thông tin, địa chỉ của những cảnh đời đang cần giúp đỡ, kêu gọi mọi người không quên những nơi vùng sâu vùng xa có cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn và tìm cách hỗ trợ tận tình. Tôi thật vui khi thấy nhiều bạn trẻ thế hệ của mình đang tích cực cùng nhau góp sức cho những dự án chăm lo cho cộng đồng, xã hội. Tuy việc nhỏ nhưng được làm điều có ích cho đồng bào mình, cho đất nước mình, nhiều bạn trẻ thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, trưởng thành và biết sống có trách nhiệm. Tôi tự tin khi chứng kiến thế hệ của mình đang có rất nhiều bạn trẻ biết “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

VÕ QUỐC BÌNH
(28 tuổi, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội TPHCM)

  • Tiên phong trong mọi hoạt động có ích cho đất nước

Là thành viên Hội Chữ thập đỏ, một đoàn viên TNCS, tôi tự hào về ý thức trách nhiệm và tình tương thân tương ái của thế hệ trẻ đối với các bệnh nhân nghèo. Có những ca bệnh cần tiếp loại máu hiếm, chúng tôi chỉ cần báo tin qua điện thoại là đã có hàng chục bạn trẻ sẵn sàng hiến máu cứu người.

Trong các phong trào của Đoàn thanh niên trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, hiến máu nhân đạo đang trở thành hoạt động tình nguyện có ý nghĩa cao cả. Mỗi đơn vị máu của các bạn cho đi đã và đang cứu sống rất nhiều người đang phải đấu tranh giữa sự sống với cái chết. Trong trách nhiệm của mình, tôi đang ra sức tuyên truyền vận động để các bạn trẻ quanh tôi không chỉ tiên phong trong phong trào hiến máu nhân đạo, mà còn tiên phong trong mọi hoạt động có ích cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh.

NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
(25 tuổi, Hội Chữ thập đỏ TPHCM)

  • Nỗ lực học tập để có kiến thức

Hiện tại, công việc của tôi là giảng viên ngoại ngữ tại một trường đại học. Điều tôi vô cùng trăn trở là có không ít người vào đời bằng con đường “học giả, bằng thật”. Một số sinh viên thường xuyên bỏ giờ, trốn học đủ kiểu, có tâm lý chỉ cần học qua loa và tranh thủ quay cóp để lấy tấm bằng đại học. Kết cục tất yếu là khi tốt nghiệp, các sinh viên “học đại” này sẽ lấy đâu ra kiến thức để làm việc và nuôi sống bản thân.

Đất nước đang trong thời kỳ chuyển mình, đòi hỏi rất nhiều ở sức trẻ, và kỳ vọng rất cao ở kiến thức của lớp trẻ. Theo tôi, chỉ có thể bằng con đường học thật, học cần cù, nghiêm túc, tâm huyết của thế hệ trẻ, chúng ta mới mong xây dựng được đất nước ổn định, sánh vai cùng quốc tế. Là một người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi dặn lòng sẽ hết lòng, gắng sức để thế hệ của mình thực hiện được hoài bão của những bậc tiền nhân.

TRẦN TUYẾT NHUNG
(33 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM)

THANH HẢI - THI HỒNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục