Củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng

Củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi một trong bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, thì nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên phải là về chính trị tư tưởng. Trong đó, nghị quyết yêu cầu cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tặng bằng khen cho các điển hình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Vì sao vậy?

Lịch sử 86 năm qua của dân tộc ta đã chứng minh rõ ràng: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu của cách mạng Việt Nam”. Muốn lãnh đạo đúng phải có “chủ nghĩa làm cốt”. Trong thời kỳ bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê Nin”.

Do vậy, từ khi mới thành lập, trong Luận cương chính trị năm 1930 Đảng ta đã xác định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê Nin làm gốc”. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rồi đến Đại hội XI (2011) bổ sung, phát triển cương lĩnh 2011, sau đó là Hiến pháp 2013 và nhiều văn kiện của Đảng đều tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống quan điểm lý luận và phương pháp luận khoa học được kết tinh và là đỉnh cao của thành tựu trí tuệ, tinh hoa văn hóa của nhân loại, có giá trị bền vững trong tinh thần biện chứng của nó, mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân đạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…”. Nhờ lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm gốc, nên Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích lịch sử, trong đó nổi bật nhất là tiến hành Cách mạng tháng Tám vĩ đại, hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công, làm thay đổi căn bản thân phận, vai trò, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta, nhân dân ta.

Đồng thời, lịch sử cũng đã chứng minh, khi nào, ở đâu mơ hồ, dao động, xa rời hay vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách giáo điều, không sáng tạo, sai quy luật khách quan… thì dẫn đến lúng túng, rồi sai lầm. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không phải xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ Cách mạng tháng Mười vĩ đại mà là từ sai lầm về đường lối và sự phản bội của giới lãnh đạo.

Những sai lầm của nước ta trong thời kỳ quan liêu bao cấp được Đại hội VI của Đảng ta tổng kết là do giáo điều, tả khuynh, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, tính biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Nhờ đổi mới, thực hiện đúng đắn và sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức đúng đắn về các quy luật phát triển, bám sát thực tiễn, nâng cao tư duy lý luận, dựa vào dân, đặt lợi ích của dân, của Tổ quốc, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996), thoát khỏi tình trạng kém phát triển (2010) và ngày càng phát triển.

Do vậy củng cố, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều tiên quyết để Đảng ta mãi là một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam.

Triệt để đổi mới phương pháp học tập lý luận chính trị

Trong NQ TƯ 4 khóa XII, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng đã nêu lên 10 nội dung quan trọng. Để làm được điều đó, theo tôi, trước hết, phải nâng cao nhận thức, đổi mới căn bản việc giáo dục, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cho đến hiện nay, công tác giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự đổi mới trên cơ sở kết quả mới của việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nhưng nói chung chưa đáp ứng yêu cầu. Giáo trình cũng như phương pháp đào tạo đều chưa thật hấp dẫn bởi vẫn cảm thấy chưa thoát khỏi giáo điều, “tầm chương”, “trích cú”. Học chính trị là để đáp ứng tiêu chuẩn quy hoạch. Nhưng rồi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý; tham nhũng, lãng phí tiêu cực ngày càng trầm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi. Chắc chắn số đông trong đó đều đã trải qua đào tạo chính trị theo các cấp học khác nhau!

Phải xác định mục đích, tầm quan trọng, ý nghĩa của học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và phải vận dụng sáng tạo, luôn được phát triển. Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp Hồ Chí Minh sẽ nắm được tinh thần cơ bản, nội dung cốt lõi của nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nắm được vũ khí tư tưởng sắc bén, sẽ trang bị vốn tư duy lý luận, tri thức cơ bản để thẩm thấu giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lý giải một cách khoa học, có cơ sở thực tiễn những hiện tượng xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội; không lúng túng, dao động, mất niềm tin, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó phải cương quyết từ bỏ phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo lối truyền tải thụ động, áp đặt, nhồi nhét, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị hoặc học không đến nơi đến chốn mà vẫn “đạt chuẩn”, tự hạ thấp trình độ lý luận và sứ mệnh tiên phong về trí tuệ của Đảng, tạo ra biết bao nhiêu “học giả mà bằng thật”, gây nhiều hậu quả xấu cho Đảng, cho xã hội.

Thường xuyên đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái

Phải đưa việc đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là một việc làm thường xuyên, quan trọng. Trong công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, ngăn ngừa sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, một nội dung quan trọng là phải phê phán quan điểm sai trái, luận điệu phản khoa học, phi thực tế cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Họ đã dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, vừa mơ hồ, vừa bịa đặt, thực chất nằm chung một rọ với những kẻ cơ hội, thù địch chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Cần phải phân tích khoa học cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, phải quán triệt, thẩm thấu quan điểm của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có 2 giải pháp vừa nêu trên, thiết tưởng kỳ này, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nêu cao quyết tâm chính trị để thực hiện bằng được các nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, đặc biệt là vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, “lợi ích nhóm”, cơ hội, cục bộ, kèn cựa địa vị, sự lộng hành, mất đoàn kết nội bộ, quan liêu, xa rời quần chúng. Nhân dân đang hy vọng ở lời hứa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là giải quyết dứt điểm những vụ án nổi cộm; đồng thời cần kiểm tra, thanh tra làm rõ những dư luận xã hội về một số, vụ việc tiêu cực, kể cả những vụ việc trong các thời kỳ trước, liên quan đến nhiều lĩnh vực xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

 Lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bằng lý luận, lời nói hay nghị quyết mà phải hành động thực tiễn, “nói đi đôi với làm”, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công để Đảng ta thực sự là một chính đảng mác-xít, khoa học, cách mạng và nhân văn, Đảng của dân tộc Việt Nam.

PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN

Tin cùng chuyên mục