Sự cố khi xây dựng phần ngầm công trình: Hoàn toàn có thể tránh được

Đã có bản đồ địa chất nhưng không sử dụng...
Sự cố khi xây dựng phần ngầm công trình: Hoàn toàn có thể tránh được

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã khẳng định như vậy tại hội thảo khoa học “Công trình xây dựng có phần ngầm - Bài học từ các sự cố và giải pháp phòng chống” do Bộ Xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng TPHCM tổ chức tại TPHCM ngày 2-8, thu hút gần 500 chuyên gia về xây dựng trong nước, quốc tế, chủ đầu tư và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đã đến dự.

Đã có bản đồ địa chất nhưng không sử dụng...

Hiện nay, tại các đô thị lớn, khai thác không gian ngầm là một giải pháp quan trọng trong tình hình quỹ đất có hạn. Thế nhưng thời gian qua, tại TPHCM, nhiều sự cố đáng tiếc liên quan đến tầng ngầm trong các công trình xây dựng đã liên tục xảy ra.

Từ các sự cố tại các công trình cao ốc Pacific, Saigon Residences, 102 Cống Quỳnh…, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân một phần do các đơn vị trong nước mới bước đầu tiếp cận kỹ thuật đối với các công trình ngầm, chưa có kinh nghiệm nhưng cũng có phần do lỗi chủ quan của các đơn vị tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư. Cũng có những sự cố do không lường trước được sự phức tạp của địa tầng, địa chất và thủy văn. Xác định được nguyên nhân các sự cố hầm ngầm đã khó, nhưng làm thế nào để phòng tránh càng là chuyện khó hơn.

Sự cố khi xây dựng phần ngầm công trình: Hoàn toàn có thể tránh được ảnh 1

Thi công phần ngầm cao ốc Pacific (Q1) làm sập trụ sở Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ. Ảnh: HUY ANH

TS Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, dẫn chứng, những năm 80 của thế kỷ trước, TPHCM đã có bản đồ địa chất tuy nhiên nó nhanh chóng bị rơi vào quên lãng vì việc sử dụng rất hạn chế. Thậm chí, không ai dám dựa vào bản đồ địa chất đó để thi công nền móng và phần ngầm công trình mà chủ yếu dựa vào kết quả khảo sát tại từng khu đất dự kiến xây dựng công trình.

Do đó, ông Hòa khẳng định các ý kiến cho rằng nguyên nhân sự cố hầm ngầm gần đây là do không có bản đồ địa chất toàn khu vực, là thiếu cơ sở.

PGS-TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất công trình xây dựng và Môi trường, lại cho rằng nguyên nhân các sự cố là do các đơn vị thực hiện xây dựng chưa nhận thức rõ hố móng sâu là một hạng mục công trình độc lập và chuyên biệt mà chỉ xem nó như là một công trình “ăn theo” hạng mục chính nên bỏ qua các khâu kỹ thuật cần thiết. Sự cố tại công trình cao ốc Pacific là một ví dụ cụ thể về nhận thức sai lầm này. Cũng theo ông, “xuống cõi âm” đòi hỏi kiến thức phải sâu rộng, kinh nghiệm nghề nghiệp phải dày dạn; trong khi Việt Nam chưa xem trọng ngành địa kỹ thuật nên hiện rất thiếu những kỹ sư giỏi chuyên ngành này trong lĩnh vực xây dựng công trình.

Kinh nghiệm + giám sát kỹ = an toàn

Liên quan đến các quy định đầu tư xây dựng phần ngầm các công trình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết, tháng 2-2008, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép các phần hầm công trình xây dựng được mở rộng đến hết ranh đất. Vấn đề còn lại là sự tính toán thiết kế đảm bảo an toàn, biện pháp thi công hợp lý, khả thi để không xảy ra sự cố.

Theo ông Hiệp, bản thân các đơn vị quản lý nhà nước về xây dựng cũng chỉ kiểm tra đột xuất, định kỳ. Trên thực tế, việc kiểm tra này rất dễ gây ngộ nhận với chủ đầu tư và các đơn vị tham gia xây dựng khi qua kiểm tra mà khẳng định rằng đơn vị nào đó là không đủ năng lực, xử phạt, buộc ngưng thực hiện… khi sự cố chưa xảy ra.

Đứng về mặt quản lý nhà nước, ông Hiệp khẳng định nguyên nhân gây ra một số sự cố hoàn toàn có thể phòng tránh từ đầu nhưng chưa được các chủ đầu tư và đơn vị tham gia xây dựng quan tâm đúng mức. Cụ thể là chủ đầu tư chọn nhà thầu thông qua quen biết, móc nối, giới thiệu hay có mời thầu nhưng lại chọn thầu giá rẻ; rút ngắn quy trình đối với phần công việc đòi hỏi kỹ thuật cao. Thậm chí, để hạ giá thành, chủ đầu tư tự thi công… Tiếp đến là tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý, tư vấn giám sát… dù công việc quá trình độ, năng lực nhưng vẫn nhận làm liều.

Nhìn lại quá trình xây dựng các tầng hầm cao ốc trong những năm 1990 tại TPHCM như Metropolitan, Ocean Palace, Saigon Center…, TS Nguyễn Trung Hòa cho rằng những nơi này không xảy ra sự cố nghiêm trọng vì phần lớn do tư vấn và nhà thầu nước ngoài tổ chức và quản lý trong suốt quá trình xây dựng. Vì vậy, các ý kiến cho rằng TPHCM có nền đất yếu, mực nước ngầm cao, không thể xây dựng tầng hầm là thiếu thuyết phục. Bởi hiện có rất nhiều giải pháp kỹ thuật cho phép xây dựng công trình trong điều kiện đó.

Bắt buộc kiểm định công trình lân cận?

Đây là một vấn đề được thảo luận rôm rả tại hội thảo. Theo đại diện của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, cứ thi công nhà cao tầng có phần ngầm là ảnh hưởng đến “hàng xóm”. Do đó, cần có những quy định cụ thể về khảo sát kiểm định chất lượng hiện trạng và phương án gia cố kết cấu nhà lân cận trước khi thiết kế và thi công tầng ngầm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không phải ai cũng vui vẻ cho đào bới nhà mình lên để khảo sát, do đó chủ đầu tư công trình phải có phương án độc lập và phải tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến “hàng xóm” chứ không nên phụ thuộc vào việc kiểm định chất lượng các công trình lân cận.

Gần 50 tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã nêu lên nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những sai sót khi xây dựng phần ngầm công trình. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được nghiên cứu để đưa vào ứng dụng nhằm có giải pháp phòng chống các sự cố.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục