Rắc rối… chung cư

Một chung cư, “hai tròng”
Rắc rối… chung cư

Tuy không gây náo loạn như tại chung cư Copac, quận 4 như báo chí vừa đăng tải nhưng sự xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều chung cư mới đưa vào sử dụng.

Chung cư Copac, nơi vừa xảy ra sự phản đối của chủ các căn hộ với chủ đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG

Chung cư Copac, nơi vừa xảy ra sự phản đối của chủ các căn hộ với chủ đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG

Một chung cư, “hai tròng”

Nằm trong khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, chung cư Hoàng Tháp đón người dân vào an cư gần 2 năm qua. Tòa nhà 14 tầng với tổng số 152 căn, trong đó có 24 căn làm văn phòng, được xem có vị trí khá tốt, nối trung tâm TPHCM bằng cây cầu Nguyễn Văn Cừ nối dài. Vậy mà, niềm vui nhận nhà ngắn chẳng tày gang, xích mích cứ lớn dần.

Trong một văn bản kiến nghị tập thể gửi cơ quan chức năng ngày 2-11-2009, cư dân tố chủ đầu tư đủ thứ, nào là không tổ chức hội nghị nhà chung cư theo Luật Nhà ở, không phân định rõ diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; rồi tự áp đặt nhiều khoản thu bất hợp lý như quản lý phí, các dịch vụ cung cấp độc quyền giá cao gas, điện, nước, internet; bán chỗ để xe ô tô lên đến 275 triệu đồng/chỗ.

Chưa hết, ngay tới phòng sinh hoạt cộng đồng chủ đầu tư cũng chiếm và sử dụng làm văn phòng công ty. Các dịch vụ tiện ích khác như diện tích sân vườn, cây xanh, chỗ chơi cho trẻ em và cư dân cũng không có. Thế là chủ đầu tư và khách hàng giằng co nhau từ việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị cho xác định các phần sử dụng chung - riêng. Mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và khách hàng lên đến đỉnh điểm khi lối thoát hiểm và thiết bị vận hành tòa nhà bị các bên niêm phong…

Ngay sau biên bản kiến nghị gửi đi, hội nghị nhà chung cư Hoàng Tháp được tổ chức vào ngày 22-11-2009, Phòng Công thương huyện Bình Chánh phát thư mời cho hai bên tổ chức hội nghị. Kết quả hội nghị, đại diện số cư dân tham dự là 79 hộ, chiếm 59%, phù hợp với quy định theo pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư vẫn không cử người vào ban quản trị nên UBND huyện Bình Chánh không thể ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị chung cư Hoàng Tháp! Sự việc “kéo” lên Sở Xây dựng, thông qua công văn của UBND huyện Bình Chánh và đơn tập thể của cư dân nhằm kiến nghị công nhận Ban Quản trị chung cư.

Ngày 10-6-2010, Sở Xây dựng khẳng định, việc tổ chức hội nghị bầu ban quản trị là phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị chung cư Hoàng Tháp.

Nhưng sau đó, sự xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân không lắng dịu mà lên đến đỉnh điểm, đến mức tại cuộc họp với các bên ngày 26-7-2010, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật phải đề nghị cả chủ đầu tư và ban quản trị phải bình tĩnh, kiềm chế, tháo bỏ niêm phong trên lối thoát hiểm và các thiết bị nhằm giữ trật tự, an toàn cho cư dân tòa nhà!

Cho tới nay, vì bên nào cũng “giữ vững lập trường” nên tại chung cư Hoàng Tháp tồn tại mô hình quản lý lạ đời, chưa xảy ra ở bất cứ chung cư nào: một bên là ban quản trị chung cư đã được bầu hợp lệ, bên kia là ban quản lý chung cư.

Sân thượng của ai?

Cách đây chưa lâu, hàng chục khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5, chủ đầu tư dự án Hùng Vương Plaza để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của mình với nhiều vấn đề, trong đó có sân thượng.

Theo phản ánh của khách hàng, khi ký kết hợp đồng hứa mua hứa bán, chủ đầu tư cam kết có sân thượng nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư xin được xây dựng thêm 4 căn hộ penthouse trên sân thượng để kinh doanh, thay vì làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng! Đại diện chủ đầu tư biện hộ rằng, diện tích sân thượng vẫn có nhưng… nhỏ hơn so với lúc công bố ban đầu vì đã dùng một ít để xây căn hộ (!).

Nhưng đâu có chỉ chung cư Hùng Vương “kiếm thêm” từ sân thượng, mới đây cư dân tại chung cư Orient Apartment (331 Bến Vân Đồn, quận 4) do Công ty cổ phần Thủy sản số 4 làm chủ đầu tư, cũng lên tiếng vì chủ đầu tư “diễn trò” lấy  sân thượng.

Theo đó, chung cư gồm 180 căn, tháng 7 năm nay cư dân bắt đầu vào ở. Khoảng hai tháng sau, ngày 23-8-2010, chủ đầu tư gửi một văn bản cho cư dân gọi là “phiếu lấy ý kiến dân cư” với nội dung: “Được sự chấp thuận của UBND TPHCM chủ trương cho công ty xây dựng 4 penthouse vị trí sân thượng hiện hữu của chung cư Orient Apartment. Nay chúng tôi tiến hành các bước cần thiết để triển khai việc xây dựng trên” và yêu cầu chủ các căn hộ trả lời có đồng ý hay không!?

Cư dân đang ngỡ ngàng thì đúng một tháng sau, cũng chính ông Nguyễn Văn Lực, tổng giám đốc công ty này ký ban hành Nội quy quản lý sử dụng chung cư, tại điều 7, khoản 2, khẳng định rõ: diện tích sân thượng 1.138m² thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư!

Khi nhận bản nội quy, anh N.T, một cư dân chung cư hết sức băn khoăn đặt dấu hỏi, phải chăng bản nội quy này mở đường cho việc xây dựng 4 căn penthouse mà chủ đầu tư đã xin ý kiến trước đó? Đối với việc xây dựng chung cư, các cơ quan chức năng đã cấp phép số tầng, diện tích đúng theo quy chuẩn xây dựng, vậy xây thêm tầng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu tòa nhà, chẳng lẽ cấp phép xây một lần lại cấp phép cho xây tiếp lần nữa, muốn xây thêm bao nhiêu lần cũng được?

Trong khi đó, theo Luật Nhà ở, tại khoản 3, điều 70, quy định: sân thượng thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư; Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 8-8-2010, tại điều 49, khoản 2, mục a cũng nêu rõ: sân thượng thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư. Như vậy, pháp luật về nhà ở đã minh định, sân thượng là của chung, chủ đầu tư chung cư Orient Apartment ôm vào để làm gì?

Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục