Sổ tay: Không được ghìm giá căn hộ!

Dạo này giới kinh doanh bất động sản (BĐS) râm ran về chuyện phải giữ giá căn hộ, tức không nên hạ giá, càng giảm giá càng chết. Ý tưởng “lạ” này đã công khai khi mới đây tại một buổi hội thảo về thị trường bất động sản (BĐS), nhiều doanh nghiệp BĐS nói thẳng luôn: giá nhà không thể hạ được nữa.

Lý lẽ đưa ra là, giá thành căn hộ đã sát với chi phí đầu vào, nếu giảm xuống nữa sẽ bị lỗ; càng giảm giá làm khách hàng thêm tâm lý chờ đợi, không chịu mua vì hy vọng giá nhà tiếp tục hạ. Một bằng chứng khác là các đợt giảm giá BĐS vừa qua đã không thu hút được người mua… Từ đó, có người mạnh miệng đề xuất “liên kết” lại để không giảm giá căn hộ, tránh tình trạng mạnh ai nấy đua giảm giá như hiện nay.

Chưa hết, một ý kiến từ chức sắc của Hiệp hội BĐS TPHCM “đòi” Bộ Xây dựng sửa lại phân hạng nhà chung cư cho rạch ròi. Bởi gần đây có sự “lập lờ” giữa chủ đầu tư này với chủ đầu tư khác, khi bảo rằng cùng vị trí dự án này giá giảm mạnh còn dự án kia bán giá cao, trong lúc 2 dự án là hai phân khúc khác nhau, không “minh bạch” với khách hàng!

Vì sao lại có suy nghĩ kỳ quặc như vậy? Đây là thời điểm quẫn bách nhất của thị trường BĐS, hệ quả của đợt suy thoái kinh tế kéo dài, lãi suất cao, nhà cửa không bán được dẫn đến nhiều chủ đầu tư lao đao, bên bờ vực phá sản. Số liệu báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM minh chứng điều đó: 122 dự án chưa triển khai và 14 dự án đã tạm ngưng xây dựng hoàn toàn; hàng tồn kho 10.100 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000m² văn phòng và trung tâm thương mại! Tức là thị trường BĐS đang đối mặt với cuộc chiến sinh tử, “tồn tại hay không tồn tại”, rất dễ vỡ trong thời điểm hiện nay.

Nói cho sòng phẳng, từ khi thị trường đóng băng cho đến nay, các chủ đầu tư chỉ đánh bóng hình ảnh là chính, như vị trí đẹp, gần bệnh viện này trung tâm kia, tiện ích đủ thứ… chứ mạnh tay giảm giá chỉ vài ba trường hợp mà thôi. Thậm chí trước áp lực cạnh tranh khốc liệt vì dự án lân cận giảm giá mạnh, có chủ đầu tư tuyên bố rằng, nếu sa vào giảm giá sẽ chết ngay, nên không thể giảm giá mà chọn hướng đi là chăm sóc dịch vụ tốt cho khách hàng (!).

Đến đây thắc mắc đặt ra, vì sao chủ đầu tư không thể giảm giá bán căn hộ, trong khi hàng tồn kho rất lớn? Câu trả lời, chắc chắn không phải vì “giảm giá không ai mua” mà có thể họ chưa chuẩn bị đỡ đòn khốc liệt của thị trường: giảm giá sẽ đối mặt với lỗ lã. Tức là bỏ ra đầu tư 10 đồng, giờ đây thu lại có thể còn 7 đồng hoặc ít hơn nữa. Vì không muốn tài sản bị bốc hơi, nên họ thi nhau “gồng” như lực sĩ, trông chờ phép màu, chẳng hạn tính chu kỳ của BĐS, nhà nước ra tay cứu… Nhưng thực chất, không có “ông tiên” nào xuất hiện, không có lối thoát nào cả, càng để lâu thì mất càng nhiều, có khi là mất sạch, vì lãi suất và hàng loạt chi phí khác gặm hết ngày này qua tháng nọ, sang năm khác!

Ai cứu được thị trường BĐS khi nền kinh tế chúng ta quá nhỏ bé, còn giá nhà cao thuộc tốp đàn anh của thế giới? Năm 2011, GDP của Việt Nam đạt 119 tỷ USD, ước 1.300 USD/người/năm, tính bình quân 108 USD/người/tháng; còn giá nhà thì hay so sánh với Tokyo, Luân Đôn, New York… Nôm na, thu nhập như thế chưa đủ ăn, làm sao mua được nhà bạc tỷ? Hay nói cách khác, nếu vẫn giữ giá nhà như vậy thì chủ đầu tư chỉ cất vào kho, còn hầu hết người có nhu cầu mua nhà sẽ không bao giờ mua được nhà!

Còn bảo tại sao giá nhà đã hạ mà vẫn không bán được, đơn giản là còn quá cao, chưa phải giá mà xã hội chấp nhận được, muốn bán được nhà phải hạ giá nữa! Rõ ràng muốn phá băng thị trường BĐS phải có sự kết hợp từ nhiều phía, nhưng giải pháp cốt lõi là giảm giá mạnh hơn nữa, về phần mình chủ đầu tư phải chịu “đau”, thà thu về một ít còn hơn không còn đồng nào nếu tình trạng này còn kéo dài!

Thiện Lương

Tin cùng chuyên mục