Dự án cầu Rạch Tra: Chậm tiến độ, đội vốn đầu tư

Ngày 3-5, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM, đã có buổi giám sát tiến độ thi công dự án cầu Rạch Tra nối giữa xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi để lưu thông về hướng thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

(SGGPO).- Ngày 3-5, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM, đã có buổi giám sát tiến độ thi công dự án cầu Rạch Tra nối giữa xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi để lưu thông về hướng thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Cầu Rạch Tra mới được xây dựng cách cầu cũ 25 mét, với tổng chiều dài 2.200 mét, chiều rộng 14 mét gồm 6 làn xe (mỗi bên 3 làn, trong đó có 1 làn dành cho xe thô sơ), lưu thông hai chiều. Công trình có tổng mức đầu tư 546 tỷ 413 triệu đồng do Khu quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư từ vốn ngân sách thành phố.

Điểm đầu của cầu nối với đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn bắc qua kênh Rạch Tra, sau đó nối với tỉnh lộ 9 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi để lưu thông về hướng thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khi cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, xe có trọng tải lớn sẽ không phải đi vòng qua quốc lộ 22 như hiện nay, qua đó rút ngắn được thời gian đi từ trung tâm TPHCM đến Bình Dương.

Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM sẽ phát triển những đô thị vệ tinh, trong đó có khu vực Tây Bắc là huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Cầu Rạch Tra mới, cùng với quốc lộ 22 và đường cao tốc Mộc Bài sẽ là những trục đường kết nối với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công bên phía huyện Củ Chi cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Đến nay, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi mới chi tiền bồi thường cho 27/65 hộ bị giải tỏa tương ứng 9.574m²/ 28.971,4m². Hiện còn 38 hộ và 1 tổ chức chưa nhận tiền bồi thường với diện tích 19.397m².

Theo Ban Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, công tác thẩm định, phê duyệt đơn giá đất, chi trả bồi thường gặp rất nhiều khó khăn do một số hộ dân không đồng ý nhận tiền và khiếu kiện về đơn gí đất nông nghiệp thấp nên rất khó khăn cho tiến độ hòan thành dự án. Được biết, hiện nay, theo giá thị trường đất nông nghiệp tại khu vực trên thấp hơn 3,4 lần so với giá đền bù, vì hiện tại giá bán khoảng 1 tỷ/1 mẫu đất nông nghiệp nhưng đơn giá bồi thường trên 4 tỷ/mẫu đất.

Tại buổi giám sát, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi và chủ đầu tư nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để công trình hòan thành đúng tiến độ. Dự án cần phải được đẩy nhanh tiến độ thi công để chấm dứt tình trạng dây dưa khiến chi phí đầu tư tăng thêm.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục