Nên để thị trường bất động sản tự vận động

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế tại cuộc tọa đàm “Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản 2013” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 9-5 tại Hà Nội, thị trường bất động sản vẫn chưa thể hồi phục như mong muốn bởi vẫn thiếu giải pháp dài hạn.

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế tại cuộc tọa đàm “Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản 2013” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 9-5 tại Hà Nội, thị trường bất động sản vẫn chưa thể hồi phục như mong muốn bởi vẫn thiếu giải pháp dài hạn.

Hầu hết các chuyên gia tham dự hội thảo đều bày tỏ không ủng hộ các giải pháp tình thế và ngắn hạn mà muốn nhân cơ hội này để tiến hành một cuộc “tái cơ cấu” cả chính sách và thị trường.

TS Võ Đại Lược cho rằng, trước mắt cần xử lý vấn đề “bong bóng” của thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng về lâu dài vẫn phải thiết lập hành lang pháp lý để thị trường phát triển lành mạnh. Giải pháp cơ bản đầu tiên là xóa bỏ tính phi thị trường của thị trường bất động sản Việt Nam, thiết lập cơ chế vận hành thực sự có tính thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để đồng tiền Việt Nam không bị mất giá, dân chúng không tìm cách giữ giá tài sản bằng con đường thi nhau đổ tiền vào thị trường bất động sản.

 “Chúng ta cần mở các hướng kinh doanh có hiệu quả để thu hút các dòng vốn đầu tư vào đây. Không cứu thị trường bất động sản bằng tiền, nên để nó tự vận động. Bên cạnh đó cần mở cửa thị trường bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài được phép mua nhà. Thị trường bất động sản là một thị trường cơ bản của mọi nền kinh tế hàng hóa nói chung, phải được vận động theo các nguyên tắc của thị trường, trên cơ sở đó nhà nước tham gia điều tiết”, ông Lược nhấn mạnh.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng cần hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường bất động sản như đất đai, đổi đất lấy hạ tầng, giá đất, xây dựng đô thị, nhà ở… Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý để loại trừ yếu tố đầu cơ trên thị trường khiến giá bất động sản Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực, trong khi nền kinh tế và thu nhập của người dân thấp hơn họ.

GS Nguyễn Mại cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về việc cho một số đối tượng dân cư vay mua nhà với lãi suất 6%/năm trong nhiều năm, vì đó là chủ trương đúng không chỉ để giải quyết bài toán hiện nay mà cần được thể chế hóa như một hướng lâu dài.

Mặc dù không kỳ vọng nhiều vào gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, song các chuyên gia vẫn quan tâm đến việc sử dụng số tiền này như thế nào cho “đáng đồng tiền bát gạo”, nhất là trong bối cảnh nguồn tiền khan hiếm như hiện nay. Theo ý kiến các chuyên gia, cần phân loại doanh nghiệp gắn với dự án, tiến độ thực hiện để trợ giúp những doanh nghiệp thật sự có khó khăn.

Tuy nhiên, việc trợ giúp sẽ chỉ hữu ích nếu doanh nghiệp đó chỉ cần bơm thêm một lượng vốn nhất định là đủ để thoát khỏi tình trạng hiện tại, hoàn thành dự án và tham gia vào thị trường, thu hồi vốn. Với những doanh nghiệp quá khó khăn, việc bơm vốn chỉ như “muối bỏ bể”, sẽ không mang lại tác dụng nào, cho cả doanh nghiệp cũng như thị trường. 

MINH DUY – ANH THƯ

Hôm qua 9-5, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết dự kiến trong vài ngày tới NHNN sẽ ban hành thông tư hướng dẫn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ ban hành thông tư này, ông Mạnh cho hay NHNN cần xem xét kỹ nhiều yếu tố tác động khác nhau đến an sinh xã hội, nguồn cung tiền và lạm phát. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang tính toán để chỉnh sửa dự thảo theo hướng hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại diện tích dưới 70m² và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² với lãi suất ổn định ở mức thấp.

Theo dự thảo ban đầu, các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ chỉ áp dụng lãi suất cố định 6%/năm trong 3 năm đầu; những năm tiếp theo sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ khiến người vay gặp khó khăn và không chủ động được kế hoạch tài chính nếu sau 3 năm lãi suất bị điều chỉnh tăng lên. Theo NHNN, cơ quan này sẽ đưa đối tượng mua nhà ở xã hội vào diện ưu đãi vay vốn khi Chính phủ có quy định về vấn đề này.  

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục