Cấp giấy chủ quyền vẫn chưa thông

Sau loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ” (Báo SGGP ra các ngày 26, 27, 28-8-2014) cùng những bài phản hồi, TPHCM đã có nhiều cuộc họp, có văn bản chỉ đạo trực tiếp nhưng thực tế tại quận Bình Thạnh vẫn còn vướng mắc. Vì sao?
Cấp giấy chủ quyền vẫn chưa thông

Sau loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ” (Báo SGGP ra các ngày 26, 27, 28-8-2014) cùng những bài phản hồi, TPHCM đã có nhiều cuộc họp, có văn bản chỉ đạo trực tiếp nhưng thực tế tại quận Bình Thạnh vẫn còn vướng mắc. Vì sao?

Nộp hết tiền vẫn chưa thấy sổ

Trở lại chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, do Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh (Công ty Bình Thạnh) làm chủ đầu tư, gặp lại những người trong bài viết cách nay 4 tháng, vấn đề bức xúc giấy chủ quyền còn tăng lên, xuất hiện thêm tình tiết mới, đặc biệt là… phát đơn “kiến nghị tập thể” gửi cơ quan chức năng kêu cứu!

Ông Võ Văn Minh, tổ trưởng tổ dân phố 35B, phường 26, Bình Thạnh cho biết: đơn “kiến nghị tập thể” xuất phát từ 16 hộ dân cư ngụ trong lốc A9. Theo đó, quy định trong hợp đồng ký kết với công ty, người dân mua nhà chỉ nộp tiền 80%, số còn lại sẽ nộp khi có giấy chủ quyền. Cách nay hơn một năm, một nhân viên của Công ty Bình Thạnh đã vận động người dân đóng hết tiền, kể cả tiền sử dụng đất để được cấp giấy chủ quyền, nhưng đến nay không thấy đâu, người dân hết sức bức xúc, còn anh nhân viên này rất “khó ăn khó nói”. “Tôi đang sở hữu 3 căn ở lốc A9, mặc dù công ty có vận động đóng tiền để ra sổ nhưng tôi không nộp. Bởi năm ngoái tôi ở lốc A8, tiền cũng đóng hết nhưng cũng không có giấy chủ quyền. Khi nộp hết tiền, công ty tiến hành thanh lý hợp đồng, chỉ giao lại giấy biên nhận, khi cần bán nhà thì người mua lại do dự, không dám mua. Có hai hộ dân rơi vào tình trạng tương tự. Họ đã có nhà và dọn ra ngoài, nhưng công ty ôm hết hồ sơ, bán nhà không được”, ông Võ Văn Minh nói.

Người dân ở lốc A9, khu dân cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền, sau hàng chục năm sinh sống.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại Công ty Bình Thạnh vẫn tiếp tục gửi thông báo yêu cầu người dân đóng hết tiền nhà và tiền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. Chẳng hạn, ngày 5-11-2014, ông Trần Hữu Toàn, tổng giám đốc công ty gửi thông báo cho chủ hộ 016, lốc A9 nộp tiếp 59,2 triệu đồng, lý do là “thanh toán tiền nhà và tiền sử dụng đất còn nợ và thanh lý hợp đồng để hoàn tất hồ sơ làm chủ quyền nhà cho khách hàng”. Bà Vương Thị Thanh Dung - chủ nhân căn hộ 016, bức xúc: “Năm 2001, tôi mua căn nhà này hết 58,22 lượng vàng. Giao kèo theo hợp đồng, chúng tôi giữ lại 20% và thanh toán cho công ty khi nhận giấy chủ quyền, không tính lãi. Nhưng nay công ty lại cam kết ngược lại: chỉ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, sao kỳ vậy?”.

Trước đây, theo một kết luận của cơ quan chức năng, khu dân cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, toàn bộ các lốc A7, A8, A9 với 196 căn hộ chưa cấp giấy chủ quyền. Nguyên nhân rất nhiều: các lốc A7, A8 thi công xây dựng chưa có quyết định đầu tư, lốc A9 chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật; thi công trước khi hoàn tất thủ tục quy hoạch, chưa được giao đất, không giấy phép xây dựng, không tiến hành đấu thầu. Đặc biệt, phản ánh của cư dân, lốc A9 bị thấm dột, chủ đầu tư không sửa chữa, cũng như việc thi công vô trách nhiệm khi hàng chục năm qua một mảng tường không được tô vữa, sơn phết.

Sẽ được cấp trước vì… kiện?

Trong báo cáo mới nhất của UBND quận Bình Thạnh ngày 19-11 vừa qua, việc chưa cấp giấy chủ quyền nằm rải rác ở 12 dự án, tổng số 612 căn - diện căn hộ kinh doanh 248 căn, tái định cư 364 căn, do Công ty Bình Thạnh làm chủ đầu tư, đồng thời phân tích các diện chưa được cấp giấy chủ quyền. Theo đó, đối với trường hợp người mua nhà đã trả hết tiền cho công ty - nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về giao đất - thì đã được UBND quận cấp giấy chủ quyền, do vướng mắc thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế nên chưa trao giấy chủ quyền.

Trường hợp một số hộ chưa trả góp hết tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư, phần lớn là các hộ tái định cư có hoàn cảnh khó khăn, sau thời gian trả góp phải đóng tiền lãi trả chậm. Đến nay đã quá thời hạn nhưng các hộ vẫn chưa thanh toán hết tiền nhà, lại thêm khoản tiền lãi phạt quá hạn khiến họ không có khả năng chi trả. Việc không cấp giấy cũng rơi vào một số hộ chuyển nhượng suất tái định cư cho người khác, nay không liên hệ được chính chủ tái định cư. Sự việc cũng xảy ra đối với các trường hợp đã nhận nhà nhưng chưa ký hợp đồng mua nhà, không liên hệ với chủ đầu tư để lập thủ tục nộp hồ sơ cấp giấy chủ quyền (thường người được suất tái định cư đã chết, những người thừa kế chưa thống nhất trong việc cấp giấy chủ quyền). UBND quận Bình Thạnh đề xuất hướng xử lý: Đề nghị miễn tiền lãi phạt cho các hộ dân tái định cư; tiếp tục ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho các dự án còn lại chưa hoàn thành thủ tục pháp lý giao đất; cho phép cấp giấy chủ quyền cho người nhận chuyển nhượng lại suất tái định cư, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi được cấp giấy.

Tất nhiên, tất cả đề xuất trên đến nay vẫn là… đề xuất. Ông Trần Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, “đối tượng” bị kiện, cho biết: xuất phát từ việc các hộ dân khiếu kiện, Cục Thuế TPHCM đang đề xuất UBND TP giải quyết cho các hộ này trước, tức là sẽ cấp giấy chủ quyền cho người dân tại lốc A9, theo hướng cho người dân đóng trước bạ, tiến hành cấp giấy chủ quyền, các thủ tục còn lại giữa công ty với nhà nước thì bổ sung sau. Chi cục thuế quận đang chờ, nếu thông qua sẽ thực hiện ngay. Đối với hàng trăm trường hợp khác, ở các dự án thì vẫn phải đợi. Riêng việc thu tiền sử dụng đất của người dân từ Công ty Bình Thạnh là “mối quan hệ dân sự”, bởi các cơ quan chức năng chưa tính ra mức cụ thể.

Phải chăng, ở đây vẫn còn vướng mắc nào “khó nói” khi không thể giải quyết bình đẳng chuyện cấp giấy chủ quyền tại các dự án do Công ty Bình Thạnh làm chủ đầu tư, trong khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo rõ ràng: cấp giấy chủ quyền cho người dân trước, còn vướng mắc giữa công ty và cơ quan công quyền sẽ giải quyết sau. Chẳng lẽ lại có một “quy luật” khác nằm ngoài hệ thống pháp luật, tức là ai kiện tụng thì ưu ái giải quyết trước?

LƯƠNG THIỆN

>> Phản hồi loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ”: Nhà thầu đòi tiền, ngân hàng phát mãi

Tin cùng chuyên mục