Thiếu thông tin tình trạng nhà đất

Bà Nguyễn Thị Hòa mua một căn nhà tại phường 9 (quận 5 TPHCM) trị giá hơn 10 tỷ đồng. Thủ tục được bà Hòa thực hiện đầy đủ với người bán theo hợp đồng và hai bên đã ra Phòng Công chứng số 2 công chứng việc mua bán này. Hai bên sau đó đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 5 làm thủ tục đăng bộ sang tên. Đến đây, xem như việc mua bán cơ bản hoàn thành và bên mua thanh toán 90% số tiền cho bên bán sau khi nhận được biên lai hẹn 15 ngày nhận giấy tờ nhà bản chính thể hiện chủ quyền thuộc tên mình. Đúng hẹn, bà Hòa đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 5 thì được nơi đây trả lời, căn nhà mà bà đã hoàn thành thủ tục mua bán đã bị Thi hành án dân sự quận Tân Bình ra quyết định kê biên để bảo đảm thi hành án trong một vụ án dân sự mà người bán phải bảo đảm thi hành. Dù bên bán đã giao nhà và gia đình bà Hòa đã dọn đến ở, song hơn 4 năm qua vẫn không được công nhận chủ quyền. Tiền nhà đã trả gần hết cho người bán mà nhà thì không có giấy tờ hợp pháp là hậu quả mà bà Hòa lãnh đủ từ việc thiếu thông tin về tình trạng nhà đất của cơ quan thẩm quyền khi người dân tiến hành các thủ tục giao dịch với nhau.

Trường hợp như bà Hòa không hiếm. Trong thực tế giao dịch nhà đất (bất động sản) hiện nay, người mua luôn nghĩ đã qua công chứng là coi như bảo đảm tính pháp lý, thủ tục còn lại chỉ là đóng thuế và đăng bộ qua tên mình. Cách hiểu không đúng này dẫn đến thời gian qua phát sinh tình trạng tranh chấp, kiện tụng trong giao dịch bất động sản và đặt ra tình huống rất khó phân xử của cơ quan thẩm quyền. Để tránh xảy ra tình trạng này, các ngân hàng trước khi giải chấp theo hợp đồng tín dụng của cá nhân, tổ chức thế chấp bất động sản thường gửi công văn đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận huyện hoặc thành phố đề nghị cung cấp thông tin và thường được trả lời rất nhanh. Thế nhưng, đối với các trường hợp là cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị thì nhiều nơi không trả lời, hoặc chậm trễ trả lời, vì cho rằng không nằm trong quy định hiện hành. Hậu quả là có rất nhiều trường hợp như bà Hòa thời gian qua “dở khóc, dở cười” và thậm chí bị mất tài sản vì thiếu thông tin tình trạng bất động sản trước khi giao dịch.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần ban hành quy định về công khai hóa tình trạng bất động sản thông qua hình thức giấy xác nhận của cơ quan thẩm quyền khi người dân, hoặc tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có yêu cầu trước khi giao dịch với nhau. Nếu làm tốt thủ tục này sẽ tránh được những phát sinh về pháp lý liên quan đến tài sản khi giao dịch dân sự; đồng thời lường tránh những thiệt hại, tranh chấp, kiện tụng giữa các bên khi thực hiện mua bán bất động sản hiện nay.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục