10 năm chưa có giấy chủ quyền

Sau loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ” phản ánh về các chung cư chưa cấp giấy chủ quyền do Công ty TNHH một thành viên Bình Thạnh làm chủ đầu tư, mới đây chúng tôi tiếp tục phát hiện một chung cư cũng thuộc quận Bình Thạnh - chung cư số 21/12 Lê Trực, phường 7, hơn 10 năm chưa có giấy chủ quyền.
10 năm chưa có giấy chủ quyền

Sau loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ” phản ánh về các chung cư chưa cấp giấy chủ quyền do Công ty TNHH một thành viên Bình Thạnh làm chủ đầu tư, mới đây chúng tôi tiếp tục phát hiện một chung cư cũng thuộc quận Bình Thạnh - chung cư số 21/12 Lê Trực, phường 7, hơn 10 năm chưa có giấy chủ quyền.

Đến nay cư dân ở chung cư Lê Trực vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà. Ảnh: THIỆN VĂN

Ưu đãi thành… ngược đãi?

Ngược về hơn 10 năm trước, quận Bình Thạnh “xung phong” lo chốn an cư cho người thu nhập thấp. Thông tin này được cư dân của chung cư Lê Trực lưu giữ hết sức trân trọng: Ngày 8-10-2004, UBND quận có thông báo tiêu chuẩn xét bán 500 căn nhà cho người thu nhập thấp và đã chọn được 37 hồ sơ đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình… Thực hiện chỉ đạo của thường trực UBND quận, bản tin Gia Định đăng công khai tiêu chuẩn và danh sách những cá nhân được giải quyết liên tục trong 2 kỳ tin…

Kết quả của đợt xét duyệt hơn 1.000 lá đơn đã chọn ra 37 cư dân, đối tượng là “cán bộ, công nhân viên hưởng lương ngân sách nhà nước, chưa từng được cấp nhà hoặc cho thuê nhà sở hữu nhà nước, công tác tại quận, làm việc trong ngành giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương của Nhà nước”. Năm 2005 chung cư xây xong, chủ đầu tư là Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh (Công ty công ích) đứng ra ký hợp đồng mua bán nhà với cư dân. Vì thuộc diện đặc biệt nên người mua nhà được ưu đãi khá lớn.

Ông Trịnh Huy Dưỡng, Trưởng phòng Kế hoạch dự án Công ty công ích cho biết, việc bán chung cư như sau: Giá nhà do UBND TP và các cơ quan chức năng xét duyệt, chỉ tính giá bán là giá trị xây dựng công trình và lãi định mức, ngoài ra không tính tiền sử dụng đất; được trả góp 5 năm và chịu lãi suất ngân hàng; trường hợp đóng đủ tiền 100% sẽ giảm giá ngay 5%!

Nhưng câu chuyện ưu đãi đó, 3 năm sau, tháng 7-2008, tất cả đảo ngược. UBND TP ban hành quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2.731m² này theo giá thị trường để Công ty công ích thực hiện nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền hơn 26,8 tỷ đồng. Tiếp đó, Sở Tài chính cũng thông báo số tiền phải nộp sau khi khấu trừ là 25,7 tỷ đồng. Tức trừ số tiền mua nhà, bình quân mỗi hộ phải nộp 536,8 triệu đồng! Điều này đồng nghĩa, chủ trương ưu đãi cho người thu nhập thấp trở nên vô nghĩa. “Việc đóng giá trị quyền sử dụng đất là một gánh nặng về tài chính, vượt quá khả năng thanh toán của cán bộ, công nhân viên và người dân tái định cư”- ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, kiến nghị Sở Tài chính vào năm 2011.

Tranh cãi

Thông tin trên trở thành tiếng sét đánh ngang tai với toàn bộ 37 cư dân chung cư, câu chuyện làm giấy chủ quyền gác sang một bên. “Tôi được cư dân cử ra làm tổ trưởng tổ kiến nghị”, ông Hoàng Đình Lạng, một cư dân của chung cư, cũng là tổ trưởng tổ dân phố cho biết, bởi theo ông chẳng vui vẻ gì khi làm điều đó. Hồ sơ kiến nghị của chung cư mỗi ngày một dày thêm, phiếu chuyển văn bản của thành phố gửi ngược về sở, rồi xuống quận, về công ty, cuối cùng trở lại cư dân, vẫn không có kết quả. Nguyên nhân do đâu?

Ngày 24-9-2001, UBND TPHCM ra quyết định giao khu đất trên cho Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh (sau này là Công ty công ích) với diện tích 2.731m², nhằm đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ cho các đối tượng bị giải tỏa trên địa bàn quận và người có thu nhập thấp, trong đó phần xây dựng công trình công cộng 704m². Năm 2004 chủ đầu tư tiến hành xây dựng thành 3 khu, biệt thự - nhà liên kế bán cho diện tái định cư và cán bộ công nhân viên; chung cư thu nhập thấp, tháng 7 năm sau đưa công trình vào sử dụng. Từ đây, UBND quận Bình Thạnh bắt đầu có văn bản gửi thành phố xin miễn tiền sử dụng đất cho đối tượng mua nhà thu nhập thấp, kết quả bất thành.

Đặc biệt trong văn bản ngày 22-7-2008 của Sở Tài chính gửi cho quận Bình Thạnh đã giải thích rõ lý do. Tổng giá trị quyền sử dụng đất của khu đất theo giá thị trường tại thời điểm tháng 8-2004 được UBND TP phê duyệt là 26,8 tỷ đồng. Theo Luật Đất đai năm 2003, chỉ miễn tiền sử dụng đất cho xây dựng tái định cư theo các dự án của Nhà nước, không miễn tiền sử dụng đất cho xây dựng chung cư thu nhập thấp. “Do đó, việc Công ty công ích kiến nghị miễn tiền sử dụng đất đối với chung cư thu nhập thấp là không có cơ sở”, văn bản khẳng định.

Quan điểm của UBND quận Bình Thạnh lại khác. Tháng 11-2011, UBND quận ra văn bản cho rằng, xuất phát từ Nghị định 71 ban hành ngày 5-10-2001 của Chính phủ và Chỉ thị 07 ngày 23-4-2003 của UBND TP về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, quận đi tiên phong giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án lại không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. Lẽ ra, chiếu theo quy định của Chính phủ, dự án được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất…

Qua nhiều cuộc họp, văn bản tranh cãi qua lại, mới đây nhất, tháng 1-2015, Sở Tài chính và UBND quận Bình Thạnh đi đến thống nhất giá trị tiền sử dụng đất và trình UBND TP. Cụ thể, đối với diện tích tái bố trí cho các hộ bị giải tỏa trong dự án là 2,7 tỷ đồng, đất nền liên kế chuyển nhượng cho 2 cán bộ, công nhân viên 997 triệu đồng. Còn riêng đối với 37 hộ dân chung cư thu nhập thấp sẽ nộp 1,746 tỷ đồng, tính ra căn hộ đóng nhiều nhất là 55 triệu đồng, thấp nhất 22 triệu đồng.

Câu chuyện rất lạ, từ người thu nhập thấp được ưu đãi, bỗng dưng lại phải nộp cái gọi là giá trị tiền sử dụng đất, nhiều năm sống trong thấp thỏm chờ đợi. Còn giấy chủ quyền, chắc chắn chỉ có được sau khi tiết mục tranh cãi hạ màn!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục