Xóa tạm cư

Người dân sống trong khu tạm cư ở quận 2 TPHCM hơn 10 năm, chấp nhận một quãng đời tạm bợ để cho những khu đô thị mới mọc lên. Riết rồi cũng quen. Giờ đây nghe nói xóa đi một khu tạm cư, ai cũng mừng, nhưng lại lo tiếp, đi đâu?
Xóa tạm cư

Người dân sống trong khu tạm cư ở quận 2 TPHCM hơn 10 năm, chấp nhận một quãng đời tạm bợ để cho những khu đô thị mới mọc lên. Riết rồi cũng quen. Giờ đây nghe nói xóa đi một khu tạm cư, ai cũng mừng, nhưng lại lo tiếp, đi đâu?

Nóng ngày di dời

Nằm lẩn khuất sau lưng Khu đô thị Đại Quang Minh, Thủ Thiêm, là Khu tạm cư An Lợi Đông tồn tại hơn 10 năm! Hiện câu chuyện di dời đang nóng lên từng ngày.

Cuối buổi chiều ngồi tại nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt Liễu, ban quản lý khu tạm cư, khá đông người ra vào. Một phần tới nhận gạo vì nhân ngày 8-3 từ một số tổ chức từ thiện, còn lại từ câu chuyện “đóng cửa khu tạm cư”. Chị Lê Võ Kỳ, quê Long An, tha hương khắp nơi, đến năm 1998 mua miếng đất 135m² tại phường này bằng giấy tay, che chòi lợp lá tá túc cho 7 miệng ăn. Năm 2010, di dời vào khu tạm cư. Cuộc sống của chồng là giữ đất cho dự án, làm bè trồng rau nhút, mỗi ngày cắt bán được 300.000 đồng; người vợ hái rau đắng, rau dại ven đường đem bán ở chợ. Khoản thu nhập tạm bợ đó góp phần nuôi thằng út học đại học!

“Mới đây quận kêu lên làm thủ tục nhận nhà tại Khu tái định Đức Khải. Căn nhà diện tích 71,61m², hẹn 2 tuần nữa nhận nhà, đã làm xong thủ tục nhưng chưa giao chìa khóa. Nghe nói bán theo diện bảo tồn vốn nhưng không biết giá bao nhiêu”, chị Kỳ nói.

Khu tái định cư Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Đức Khải xây dựng đã hoàn tất và bàn giao cho thành phố.

Còn nhớ, 4 năm trước đến khu tạm cư, ban đêm bà Liễu tay cầm đèn pin, dắt chúng tôi đi quan sát khu tạm cư, giọng sang sảng khi nói về quản lý an ninh trật tự: “Nếu trong này có gì là báo động liền, nhà tôi ở đầu ngõ, kéo barie ngay, hết chạy”. Bây giờ, xóa tạm cư, giọng hai vợ chồng trầm hẳn xuống so với năm xưa, vì cũng không biết đi về đâu. Hai vợ chồng, một người là cựu quân nhân, một người là cán bộ đoàn, cả hai về hưu. Đầu tiên giữ đất cho dự án của Ban quản lý Thủ Thiêm, sau có khu tạm cư, vợ chồng bà chuyển sang làm “cầu nối” cho chính quyền với người tạm cư, thuận lợi lớn nhất là túc trực cả ngày lẫn đêm. Thành công nhất của hai vợ chồng già chính là con cái ăn học đàng hoàng, đặc biệt hiện nay hai người con trai đang học bác sĩ. “Nhà cửa không có, hộ khẩu “gửi nhờ” đồng đội ở quận 10. Nói chung không có tiêu chuẩn gì”, bà Liễu tâm sự.

Nay khu tạm cư trở nên vắng vẻ, nhiều căn tạm cư đã đóng cửa. Bà Liễu cho biết, hiện tại chỉ còn 59 hộ, giảm gần phân nửa so với 113 căn tạm cư. Những hộ dời khỏi khu tạm cư đã có nhà cửa theo chính sách bố trí tái định cư. Các hộ còn lại thuộc các diện đang chờ nhà tái định cư, hoặc không đủ diện tái định cư - diện này có khả năng sẽ dời lên tạm cư tiếp tại Khu tạm cư An Phú, rồi tính sau.

Tháng 6 đóng cửa Khu tạm cư An Lợi Đông

Theo thống kê từ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, quận có tổng cộng 417 căn tạm cư nằm tại các khu tạm cư An Lợi Đông và An Phú. Nơi này gần như tập trung các hộ dân bị giải tỏa khắp nơi của thành phố, như dự án đại lộ Đông Tây, vòng xoay chân cầu Sài Gòn, đường ống nước BOO, bờ kè sông Giồng Ông Tố, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Theo kế hoạch, chậm nhất vào 30-6 tới phải đóng cửa Khu tạm cư An Lợi Đông để giao mặt bằng cho Ban quản lý Thủ Thiêm triển khai dự án. Hiện tại, Khu tạm cư An Lợi Đông có 13 hộ chưa đồng ý chọn nhà tái định cư, 30 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, tổng cộng có 43 trường hợp. Quận 2 sẽ đề xuất thành phố bán căn hộ, cho thuê căn hộ, đảm bảo mọi người có nhà ở. Còn trường hợp nào không đồng ý, sẽ vận động đưa về Khu tạm cư An Phú. Đối với Khu tạm cư An Phú, có 38 hộ chưa chọn căn hộ, 68 hộ không đủ điều kiện tái định cư - cũng giống như khu An Lợi Đông sẽ đề xuất chính sách riêng để hộ dân có chỗ ở, mua hoặc thuê. Vì liên quan nhiều dự án bố trí tái định cư tại khu này, mỗi dự án có chính sách riêng nên sẽ đóng cửa chậm hơn.

Ông Đỗ Quốc Doanh, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 cho biết, quận đủ quỹ nhà tái định cư, việc bố trí như thế nào, giá bán ra sao do thành phố quyết định. Trong trường hợp những hộ không đủ điều kiện tái định cư, sẽ xử lý theo hướng mua một lần hoặc cho thuê, thậm chí đề xuất vào quỹ nhà tái định cư Thủ Thiêm đang dư. Quận mới họp, thống nhất trong tuần này sẽ có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng thành phố sớm xử lý. Việc để ở nhà tạm cư kéo dài nhiều năm cũng chính là vi phạm Chỉ thị 32 của thành phố.

Dư quỹ nhà, giá lại quá cao

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, về quỹ nhà tái định cư 12.500 căn Thủ Thiêm, quận 2 chỉ có nhu cầu sử dụng 3.000 căn. Tuy nhiên, hiện nay đang lo ngại về giá bố trí cho các hộ dân tái định cư cũng như không đủ điều kiện tái định cư là quá cao. Hiện tại có 3 diện, đối với tái định cư nhà nước sẽ hỗ trợ nhiều, diện không kinh doanh sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần, còn giá bảo tồn vốn nhà nước không có hỗ trợ gì. Ví dụ, tại Khu tái định cư Đức Khải, 1.080 căn đã xây dựng xong, giá tái định cư được thành phố duyệt từ 7,6 - 8,6 triệu đồng/m² tùy theo tầng, còn giá không kinh doanh và bảo tồn vốn đang chờ lấy ý kiến. Tuy nhiên, về nguyên tắc giá không kinh doanh sẽ tăng gấp đôi, còn giá bảo tồn vốn tăng gấp 3 lần, lên đến 25 triệu đồng/m². Rõ ràng với mức giá này, phần nhiều người dân không đủ điều kiện tái định cư sẽ không kham nổi. Theo nhận định của một chuyên gia bất động sản, việc định giá không kinh doanh theo mức này sẽ rất cao, nếu so sánh với dự án căn hộ cao cấp The Sun Avenue đang mở bán đối diện, giá cũng tầm 24,5 triệu đồng/m².

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục