TPHCM có thể xây dựng căn hộ 100 - 200 triệu đồng

Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) trong văn bản đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của TPHCM mà cơ quan này vừa gửi Thành ủy và UBND TPHCM.
TPHCM có thể xây dựng căn hộ 100 - 200 triệu đồng

(SGGP).- Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) trong văn bản đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của TPHCM mà cơ quan này vừa gửi Thành ủy và UBND TPHCM.

Theo HoREA, TPHCM hoàn toàn thể làm được căn hộ NƠXH 30m² (gồm 20m² sàn và 10m² gác lửng), có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.

Đó là những khu vực đã có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông; bên cạnh các khu công nghiệp, nơi làm việc; khu đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công viên; khu vực có nền địa chất vững chắc.

Đất tại quận Thủ Đức có nền địa chất vững chắc. Ảnh: Kim Ngân

HoREA cũng đã chỉ ra một số khu vực cụ thể dựa trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành quỹ đất làm NƠXH tại Khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 (326ha), Khu công nghệ cao (913ha), Công viên phần mềm Quang Trung (43ha), Đại học Quốc gia TPHCM (647ha, trong đó khoảng 2/3 diện tích thuộc tỉnh Bình Dương)…

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, với quỹ đất nêu trên, TPHCM có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ NƠXH  30m² có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn và chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu. Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn về nhà ở của xã hội. Để tạo quỹ đất phát triển NƠXH, HoREA kiến nghị trước hết phải sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của TP.

Theo HoREA, với quỹ đất các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, Nông trường bò sữa (huyện Củ Chi) do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý; nông trường Láng Le do UBND huyện Bình Chánh quản lý; nông trường Tam Tân do UBND huyện Củ Chi quản lý đã có tổng diện tích khoảng 8.685ha, chưa tính quỹ đất các nông trường ở huyện Cần Giờ và một số khu đất được quy hoạch đất dự trữ của TP đều có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để dành một phần quỹ đất phát triển NƠXH… nếu được đấu giá, đấu thầu và có cơ chế là có thể huy động được thêm một nguồn lực rất lớn để tạo quỹ đất phát triển NƠXH của TPHCM.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục