Xe quá tải “tung hoành”

Mức phạt tiền đối với xe chở quá tải và xe quá khổ… rất nặng, thế nhưng, nhiều phương tiện vẫn cố tình vi phạm. Không những thế, nhiều xe tải trọng lớn cũng chạy trong nội đô TPHCM dù trong giờ cấm.

 

Xe tải trọng lớn vừa đi vào giờ cấm, đường cấm vừa chở quá tải
Xe tải trọng lớn vừa đi vào giờ cấm, đường cấm vừa chở quá tải

Chạy vào giờ cấm

Theo quy định, xe có tải trọng trên 5 tấn sẽ không lưu thông vào vùng nội đô TPHCM từ 6 giờ đến 22 giờ. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến đường Nguyễn Hoàng, Lương Định Của (quận 2), Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh (quận 9), tình trạng xe tải trọng lớn vẫn phổ biến. Thậm chí, vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông, nhiều xe tải trọng lớn chở theo vật liệu bùn, đất phục vụ công trình vẫn ung dung chạy.

Trong những ngày đầu tháng 10-2018, chúng tôi theo chân tổ kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Giao thông (TTGT - Sở Giao thông Vận tải TPHCM) và lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) quận 2 lập chốt tại đường Nguyễn Hoàng (quận 2). Khoảng 9 giờ, khi thấy lực lượng chức năng, nhiều xe có tải trọng lớn vẫn hiên ngang chạy qua. Chỉ trong vòng 20 phút, tổ liên ngành đã cho dừng 2 xe tải, 4 xe trộn bê tông chạy vào giờ cấm. Sau quãng thời gian trên, tổ liên ngành không phát hiện trường hợp xe có tải trọng lớn đi vào giờ cấm, do các tài xế đã thông báo cho đồng nghiệp có lực lượng chức năng làm việc.

Riêng đối với xe trộn bê tông, nếu muốn chạy vào nội đô trong giờ cấm lưu hành thì phải có giấy phép lưu thông, nhưng rất ít trường hợp có giấy phép. Đặc biệt, xe tải 60C-004.62 khi bị tổ liên ngành ra dấu hiệu dừng xe, đã bỏ chạy. Lực lượng CSGT đã phải đuổi theo buộc tài xế đưa xe về trạm cân di động và số liệu từ trạm cân ghi nhận chiếc xe này đã chở quá tải hơn 40% so với thiết kế quy định. Một số xe còn lại cố tình chây ì không đưa giấy tờ xe, sổ đăng kiểm…

Tổ liên ngành còn phát hiện nhiều xe có tải trọng dưới 3,5 tấn chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm quá tải. Trong đó, tài xế xe 51C-127.05 khi thấy tổ liên ngành đứng chốt đã quay đầu xe bỏ chạy và khi bị lực lượng chức năng “áp tải” về trạm cân thì phát hiện chở quá tải hơn 100%. Những chiếc khác như xe 51C-954.98 quá tải hơn 47%, xe 51-630.09 cũng vượt quá tải trọng so với thiết kế.

Đi vào đường dân sinh ngoại thành

Sau khi chở vật liệu xây dựng vào các công trình ở nội đô thì nhiều xe tải chở ngược bùn, đất thải chạy ra vùng ngoại thành để đổ hàng. Những chiếc xe này chở khoảng 20 - 30 tấn bùn, đất thải lén lút chạy vào đường dân sinh có tải trọng chỉ 10 tấn như đường Bến Than, Nguyễn Thị Lăng, Trần Văm Chấm (huyện Củ Chi); đường Thế Lữ, Thích Thiện Hòa, Láng Le Bàu Cò, Trịnh Quang Nghị, Ao Đôi, Dương Đình Cúc (huyện Bình Chánh) để tìm nơi trống đổ chất thải. Đơn cử, chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 7 đến tháng 9), TTGT ra quân đợt cao điểm kiểm tra tải trọng phương tiện trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi đã xử lý 83 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Theo một chuyên gia giao thông, UBND TPHCM đã có Quyết định 23/2018 không cho phép xe có tải trọng trên 5 tấn lưu thông vào trung tâm thành phố từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, có hiệu lực từ ngày 1-8-2018 (thay vì sau 24 giờ mới được vào nội đô như trước đây). Dù vậy, nhiều xe phục vụ công trình vẫn bất chấp chạy vào giờ cấm. Đó là hành vi quá xem nhẹ an toàn giao thông. 

Khó khăn trong xử phạt

Đại diện TTGT cho hay, hiện tình trạng vi phạm đối với xe container ra vào các cảng đã giảm, nhưng thay vào đó là tình trạng xe chở vật liệu xây dựng vi phạm đang có chiều hướng tăng lên. Mức độ vi phạm ngày càng cao và đối phó rất tinh vi. Trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng TTGT đã phát hiện chở hàng quá tải trọng, xử lý 1.551 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng. 

Quả thật, chúng tôi cùng đi với tổ liên ngành chứng kiến nhiều tài xế tuy xuống xe nhưng không chịu phối hợp. Thậm chí, có trường hợp tài xế điều khiển xe có tải trọng lớn đã đóng cửa, đậu xe bên đường rồi bỏ đi. Những trường hợp này phải gọi xe cẩu kéo về đội. Hay trên nhiều tuyến đường ở ngoại thành, xe có tải trọng lớn khi phát hiện lực lượng TTGT thường tăng ga bỏ chạy, có tình trạng cố tình vượt đèn vàng để xe của lực lượng TTGT vướng lại đèn đỏ… 


Theo một cán bộ TTGT, nếu như có lực lượng CSGT phối hợp thì rất thuận lợi vì CSGT được phép dừng xe. Còn chỉ mỗi lực lượng TTGT thì phải xác định xe chở hàng hóa quá tải mới được ra tín hiệu dừng xe. Bởi nếu dừng mà trên xe không có hàng hóa thì tài xế thường hay phản đối, cho rằng lực lượng nhũng nhiễu, gây khó dễ. Những trường hợp phát hiện xe tải trọng lớn có chở hàng thì lực lượng TTGT phải “nhờ” tài xế phối hợp đưa xe đến trạm cân cố định. Bởi khi dùng cân di động, tài xế cố tình chạy không đúng lên cân nên cho ra kết quả không chính xác.

Tin cùng chuyên mục