Xem thường chế tài lĩnh vực thú y

Đến nay, đã qua 5 tuần Nghị định 90/2017 quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực. Thế nhưng, tại TPHCM, nhiều chó vẫn được gia chủ thả rông và nhiều gia cầm sống vẫn bán tràn lan trên hè phố.
Chó thả rong trên đường Chu Văn An (Bình Thạnh)
Chó thả rong trên đường Chu Văn An (Bình Thạnh)
Chỉ chấp hành vài ngày 

Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP lại nhận được nhiều phản ánh của người dân về nạn chó thả rông gây ồn ào, mất vệ sinh và mất an toàn trong khu dân cư. Nhiều người tỏ ra thất vọng khi chẳng thấy thực thi việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm Nghị định 90.
Bà Phạm Thị Minh Nguyệt (ngụ chung cư Mười Mẫu, phường Bình Trưng Đông, quận 2) thắc mắc: “Những ngày đầu, khi có thông tin về hoạt động của đội bắt chó thả rông của Chi cục Thú y, nhiều người nuôi chó không dám thả chó ra đường, nhưng rồi không biết đội này còn hoạt động không, mà không nghe tin tức gì nữa. Cư dân chung cư được mấy bữa bình yên thì nay người ta lại thả rông chó đi bươi rác, phóng uế khắp nơi. Chúng tôi gọi báo với phường, phường tiếp nhận rồi… im luôn”.
Chị Vũ Thị Hồng Phượng (ngụ đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) kể: “Sáng cuối tuần, tôi đang đi bộ trên đường Chu Văn An khúc gần ngã tư giao với đường Đinh Bộ Lĩnh thì bị 2 con chó của một hộ dân ở đường này đuổi theo. Tôi đang mang bầu, chẳng may bữa đó bị chó cắn thì không biết đứa bé sẽ ra sao. Đến hôm nay, tôi vẫn không dám đi qua đoạn đường đó, nhìn thấy chó là sợ. Nghe nói TPHCM chấn chỉnh tình trạng thả rông chó trong khu dân cư, nhưng chắc đã hết đợt cao điểm nên đâu lại vào đó”.

Đến nay, đi một vòng vài tuyến đường ở bất kỳ quận nào vẫn thấy chó được thả rông, không xích, không rọ mõm. Trong khi không phải đến Nghị định 90 mới có chế tài đối với việc thả rông chó, mà trước đó đã có những nghị định quy định chế tài việc này, như Nghị định 05/2007 (về phòng chống bệnh dại ở động vật), Nghị định 167/2013 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội), Nghị định 171/2013 và Nghị định 46/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt). Thế nhưng, do không có ai kiểm tra, xử phạt nên các quy định trên không khả thi. Cũng giống như những đợt ra quân khác để chấn chỉnh, người dân chỉ chấp hành khi việc kiểm tra và chế tài được thực hiện nghiêm túc. 

Người bán gia cầm chưa biết Nghị định 90

Hơn 1 tháng nay, những người bán gia cầm sống vẫn bán trên nhiều hè phố và trong khu dân cư, dù Nghị định 90 cũng có quy định xử phạt những trường hợp này. Các điểm bán gà vịt sống trên đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Phạm Hùng (quận 8), chợ Nhỏ (quận Tân Bình)… vẫn hoạt động mỗi ngày. Bên hông tòa nhà Pearl Plaza (đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh) là con hẻm dẫn vào chợ tự phát Văn Thánh. Các lồng gà vịt sống được bày bán la liệt, người bán còn chuẩn bị cả thau chậu, bếp nấu nước sôi để sẵn sàng giết mổ, vặt lông gà vịt khi khách có nhu cầu.
Thấy chúng tôi hỏi có sợ bị phạt khi kinh doanh gia cầm sống trong khu dân cư, anh Thái - một người có thâm niên bán gà sống 8 năm tại đây - xua tay bảo: “Bán lâu cũng có kinh nghiệm, khi nào đọc báo thấy có đợt ra quân dẹp những điểm kinh doanh gia cầm sống thì mình đề phòng, còn không thì cứ bán bình thường. Chính quyền có cả núi việc, đâu theo mình hoài được”. Chị Bính bán gà sống gần cầu Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9) ngơ ngác khi nghe nói Nghị định 90 xử phạt việc kinh doanh gia cầm sống trái phép, và hỏi lại: “Theo quy định thì phạt nặng không cô?”

Thực ra từ dịch cúm gia cầm, việc kinh doanh gia cầm sống trên hè phố đã bị ngăn chặn và có nhiều quy định chế tài tại Nghị định 119/2013 và Nghị định 41/2017 (quy định xử phạt hành chính trong việc vận chuyển, kinh doanh động vật sống, chống dịch bệnh động vật trên cạn). Nhưng hoạt động kinh doanh gia cầm sống trái phép vẫn diễn ra, việc ngăn chặn cũng bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương buông lỏng.
Nghị định 90 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2017. Theo đó, phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tin cùng chuyên mục