Xem tuồng xưa, ngẫm chuyện nay

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa dựng vở mới Lê Công kỳ án (tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn Nguyễn Hoàn, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu), với sự tham gia diễn xuất của các NSƯT Linh Hiền, Hữu Danh, Thanh Trang, Đông Hồ, các nghệ sĩ Kiều My, Bảo Châu, Minh Khương, Thanh Bình...
Một cảnh trong vở hát bội Lê Công kỳ án
Một cảnh trong vở hát bội Lê Công kỳ án
Tả quân Lê Văn Duyệt là một vị quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn. Hai lần ông được cử làm Tổng trấn thành Gia Định. Trong công việc, ông rất nghiêm minh, chính trực, luôn quan tâm chăm lo cuộc sống nhân dân. Mỗi khi nhận được tấu trình, kêu oan của dân, ông trăn trở, tìm mọi cách để truy đến cùng những quan tham. Dù là tình thân, dòng họ, quan quyền lớn đến đâu, nếu phạm tội đều bị ông nghiêm trị. Cách làm quan nghiêm minh của ông đã thu phục được lòng dân, ông được người dân yêu kính gọi là Lê Công. 
Câu chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt thẳng tay trừng trị quan tham Lê Tích Trấn, rồi sau đó dùng thượng phương bảo kiếm tiền trảm hậu tấu, chém đầu Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng) vì vơ vét của dân, đốt phá chùa chiền, giết người vô cớ... khiến người dân cảm phục nhưng cũng vô cùng lo sợ cho sự an nguy của ông. Bỏ mặc sự nguy nan của bản thân mình, Lê Văn Duyệt đem thủ cấp Huỳnh Công Lý trở về kinh đô để diện kiến vua, trình bày sự việc. Hành trình làm quan liêm chính công minh, dám đương đầu với những thách thức, bất chấp hiểm nguy của Lê Văn Duyệt khiến nhiều người khâm phục. Ngay cả vua Minh Mạng, dù giận dữ với cách xử án thẳng tay của vị tướng tài nhưng vẫn quý nể tinh thần trách nhiệm, sự ngay thẳng, nghiêm minh của Lê Văn Duyệt. Xét thấy cách xử án của tả quân là đúng, nhà vua đã tha tội và ban thưởng cho vị trung thần.
Câu chuyện tích xưa về những vị trung thần được dàn dựng trên sân khấu thật hấp dẫn. Sau khi thưởng thức, khán giả không khỏi suy ngẫm và mong mỏi ở thời đại nào cũng sẽ luôn có những vị quan thanh liêm vì dân vì nước như Tả quân Lê Văn Duyệt!
Theo dõi câu chuyện lịch sử trên sàn diễn, người xem dâng trào cảm xúc với những kịch tính của vở tuồng. Đạo diễn Nguyễn Hoàn đã khéo léo dàn dựng, chuyển tải câu chuyện lịch sử thật nhẹ nhàng, liền mạch, tạo đất diễn cho dàn nghệ sĩ kỳ cựu và cả các nghệ sĩ trẻ của nhà hát.
Nghệ sĩ Đông Hồ trình diễn xuất sắc vai Tả quân Lê Văn Duyệt với những thăng trầm thời cuộc và nỗi đau không con; NSƯT Linh Hiền thăng hoa với vai vua Minh Mạng đầy những trăn trở khi phân xử vụ án nghĩa phụ Lê Văn Duyệt chém cha vợ; kép đẹp Lê Bảo Châu uy nghiêm, điềm tĩnh trong vai tướng tài Thoại Ngọc Hầu; diễn viên trẻ Kiều My tạo dấu ấn trong diễn xuất với nhân vật Huệ Phi...
Diễn viên Thanh Bình đảm nhiệm và hoàn thành tốt cả ba vai trong vở (quân lính, sư trụ trì chùa, quan triều đình nhà Nguyễn), chia sẻ: “Thời điểm sân khấu hoạt động eo sèo, đời sống nghệ thuật hát bội gặp nhiều khó khăn, nên cứ được diễn là chúng tôi vui lắm. Mỗi ngày, chúng tôi cố gắng nỗ lực rèn nghề, làm nghề và cùng chung tay góp sức giữ nghề. Đó là trách nhiệm rất lớn của nghệ sĩ”.  
Mới đây, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM được Nhà nước đầu tư khoảng 500 triệu đồng để sửa chữa nội thất rạp Thủ Đô. Khoản kinh phí này chủ yếu dùng để thay mới toàn bộ trần rạp hát vốn đã xuống cấp trầm trọng và tu bổ, sửa sang lại ghế ngồi trong rạp hát. Dự kiến, công việc sửa chữa này sẽ hoàn thành vào đầu tháng 8-2018. Còn về chuyên môn, nhà hát vẫn đang nỗ lực thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân ở các quận huyện, cố gắng đầu tư xây dựng các vở mới để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả thích nghệ thuật hát bội.

Tin cùng chuyên mục