Xem xét việc thành lập nhiều đơn vị hành chính thuộc tỉnh Đồng Nai

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 18, ngày 25-4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra tờ trình và đề án của Chính phủ về việc thành lập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Đồng Nai.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Trình bày tờ trình về vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trên cơ sở điều chỉnh địa giới các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là yêu cầu rất cấp thiết, phù hợp với quy luật phát triển và thuận hiện cho công tác quản lý tại địa phương.

Sau khi thành lập thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, nhưng giảm 1 xã và tăng 1 thị trấn.

Về đề án thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, những năm qua xã Hiệp Phước đã có những bước phát triển về kinh tế- xã hội, cơ sở hạ tầng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực sang công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ; tỷ trọng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm đến 97% nền kinh tế của xã; thu ngân sách đạt khá. Xã Hiệp Phước chuyển đổi từ mô hình quản lý nông thôn sang mô hình quản lý đô thị nhằm mang lại hiệu quả trong công tác quản lý lãnh thổ, lợi ích chung của địa phương và của vùng. Sau khi thành lập thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Thạch không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc nhưng giảm 1 xã và tăng 1 thị trấn.

Liên quan đến đề án thành lập 6 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sau khi thành lập, tỉnh Đồng Nai sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc nhưng giảm 6 xã và tăng 6 phường. Cụ thể có 171 đơn vị hành chính cấp xã (130 xã, 35 phường, 6 thị trấn).

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch và đề án thành lập 6 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai góp phần giúp các địa phương này tiếp tục phát triển tiềm năng kinh tế-xã hội.

Các ý kiến cho rằng, các điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính này về cơ bản đã đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, vẫn cần giải trình, làm rõ hơn về việc bố trí lượng biên chế cán bộ, chiến sĩ, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất... các tổ chức công an sẽ được thành lập sau khi thành lập các đơn vị hành chánh mới.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để đảm bảo tính thống nhất trong hiệu lực thi hành, cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban Pháp luật đề nghị hợp nhất 3 dự thảo Nghị quyết do Chính phủ chuẩn bị nêu trên thành 1 dự thảo Nghị quyết chung khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Tin cùng chuyên mục