Xếp hạng đại học hay thương mại hóa?

Hậu sự kiện Bộ GD-ĐT chủ trì hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” hôm 11-4 đang thu hút được nhiều quan tâm của các chuyên gia giáo dục. 
Chủ đề của hội thảo khá rộng, nhưng thực chất nó được dành để nghe chuyên đề về xếp hạng đại học (ĐH) do đại diện của Công ty TNHH QS (Quacquarelli Symonds Limited, Anh quốc) chi nhánh ở Singapore trình bày. Người này từng làm chủ một công ty quảng cáo ở Singapore. 
Có thể nói, xếp hạng ĐH là vấn đề được quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó phải là việc làm của các chuyên gia am hiểu giáo dục ĐH, chứ không thể là hoạt động của một công ty trách nhiệm hữu hạn như QS. QS định ra các tiêu chí xếp hạng, trong đó có tới 50% tổng số của tiêu chí đến từ sự đề cử của các chuyên gia và nhà tuyển dụng trên toàn thế giới. Vấn đề là QS không công khai cho mọi người biết những “chuyên gia” hay “nhà tuyển dụng” này là những ai, và liệu họ có là người am hiểu về những trường ĐH mà họ được mời đề cử hay không? Ngoài ra, chi nhánh QS ở Singapore còn cho các ĐH tham gia có thể giới thiệu những người “đề cử” cho chính họ.  
Để phục vụ cho việc đáp ứng tiêu chí “quyết định” này, Công ty TNHH QS đưa ra các gói quảng cáo giá từ vài chục đến vài trăm ngàn USD để có ĐH được tăng hạng.
Lập luận của họ là: “Muốn được thứ hạng cao, muốn được tăng hạng trong bảng xếp hạng của QS, cần tăng cường quảng cáo để các chủ thể đề cử biết đến trường mình”. Và việc quảng cáo phải qua kênh của QS.
Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là tại hội thảo này, QS đã khá lộ liễu khi giới thiệu thẳng các gói quảng cáo để các ĐH muốn được xếp hạng tốt theo chuẩn của họ cần tham gia. 
Chưa hết, QS chỉ dành 20% trong số đánh giá cho thành tựu về khoa học và phát kiến của ĐH thông qua trích dẫn Scopus. Tuy nhiên, các bài báo khoa học trong Cơ sở dữ liệu Scopus thì cũng nhiều loại và chất lượng rất khác nhau. Việc QS đánh giá tiêu chí khoa học bằng hình thức “cào bằng” như thế là rất phản khoa học.
Vấn đề là, trong khi nghiên cứu khoa học là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của ĐH, nhưng có thể vì nó là tiêu chí khách quan (và không thể tăng/giảm thông qua các dịch vụ quảng cáo “ngàn đô” của QS), nên nó chỉ được tính 20% số điểm. Điều đáng ngạc nhiên hơn là một số lãnh đạo ĐH Việt Nam lại ủng hộ việc QS xem nhẹ tiêu chí nghiên cứu khoa học, khi cho rằng coi trọng tiêu chí này là không phù hợp với điều kiện Việt Nam…    
Việc xếp hạng ĐH là cần thiết để có thể định vị các ĐH về mặt chất lượng. Nhưng nếu chạy theo xếp hạng bằng các dịch vụ quảng cáo quốc tế và xem nhẹ vai trò của khoa học và giáo dục thì thực sự là phản khoa học. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần giới thiệu thêm nhiều tổ chức xếp hạng ĐH quốc tế để các ĐH có thể tham khảo và tự chọn tổ chức xếp hạng quốc tế phù hợp, thay vì chỉ tổ chức mỗi hội thảo cho Công ty TNHH QS giới thiệu về mình. Ngoài ra, cần tách bạch giữa xếp hạng và thương mại để có đánh giá các ĐH một cách khách quan và đúng đắn. Nhà nước cần quan tâm đến việc này, không để các tổ chức thương mại nước ngoài thao túng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hệ thống ĐH nước nhà.  
Chúng ta phải bình tĩnh và thận trọng, nếu mất cảnh giác trong lĩnh vực xếp hạng theo hướng thương mại hóa thì chúng ta có thể có một số ĐH được xếp hạng tốt, nhưng thành tựu khoa học - công nghệ và giáo dục lại không có gì. Điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh giáo dục quốc gia, lãng phí tài nguyên, đảo lộn hệ thống giá trị căn bản về đúng và sai.

Tin cùng chuyên mục