Xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà: Bị cáo không phục kết luận giám định

Ngày 10-3, tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố nhiều lần vỡ ống nước sông Đà- Hà Nội, 9 bị cáo trong vụ án đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép nói lời sau cùng.

Được xác định chịu trách nhiệm lớn nhất về những sai phạm trong vụ án này, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội) bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét công tâm vì trong quá trình giám định hậu quả vụ án, đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà.

"Đây là dự án tâm đắc của bị cáo trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành xây dựng. Mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh và nhân thân các bị cáo", bị cáo Trung bày tỏ.

Bị cáo Hoàng Thế Trung cũng cho rằng trong bản kết luận giám định còn nhiều nội dung mâu thuẫn khiến các bị cáo vướng vòng lao lý.

Xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà: Bị cáo không phục kết luận giám định ảnh 1 9 bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà - Hà Nội

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) trong lời nói cuối cùng bày tỏ sự băn khoăn không rõ lý tại sao bản thân mình và nhiều đồng nghiệp khác lại vướng vào lao lý sau sự cố vỡ đường ống nước.

"Đến nay tôi vẫn không hiểu rõ mình đã phạm tội gì, phạm tội như thế nào. Cơ quan giám định chưa làm rõ tận cùng. Mong HĐXX xem xét những ý kiến mà tôi nói trong phiên tòa này...", bị cáo Khải chia sẻ.

Còn bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) bày tỏ ý kiến không đồng ý với các kết luận giám định của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra sự cố của dự án.

Bị cáo Hiển cũng cho rằng nếu cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân chính xác thì sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sẽ tiếp tục xảy ra và không thể khắc phục được.

Đối với các bị cáo thuộc đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex và phía đơn vị giám sát, trong lời nói cuối cùng cũng bày tỏ những suy nghĩ khi cho rằng họ không phạm tội như cáo trạng đã quy kết.

Bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) nói: "Tôi tha thiết mong HĐXX xem xét, lắng nghe ý kiến của các luật sư trong việc áp dụng điều luật mới để kết luận được một bản án công bằng, khách quan".

Còn bị cáo Nguyễn Biên Hùng (nguyên Phó trưởng Đoàn Tư vấn giám sát) bày tỏ: Tôi cho rằng không có căn cứ buộc tội chúng tôi, bởi chúng tôi không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án".

Trước đó, trong bản luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo trong vụ án đã xâm phạm an toàn công trình công cộng và tài sản doanh nghiệp. Các bị cáo là những người từng có nhiều năm công tác nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến tuyến ống nước sạch Sông Đà có 18 lần bị vỡ, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gây dư luận xấu trong xã hội.

Trong số 9 bị cáo của vụ án này có 3 bị cáo được đề nghị án treo và 6 bị cáo bị đề nghị án tù. Trong số này, 2 bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội) và Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) cùng bị đề nghị từ 36 - 42 tháng tù, cao nhất trong số các bị cáo trong vụ án này.

Tin cùng chuyên mục