Xét xử vụ đánh bạc ngàn tỷ: Nguyễn Văn Dương nằm trong quy hoạch vào ngành công an

Việc “quy hoạch” Dương vào ngành, bị cáo Nguyễn Văn Dương trả lời trước tòa: “Cái này là chủ trương đã được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó để phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài của công an phòng chống tội phạm công nghệ cao”.


 

Sáng 19-11Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) trả lời thẩm vấn trước tòa. Dương bị truy tố về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền” và “Đưa hối lộ”.

Nguyễn Văn Dương khai không nhớ về hành vi của mình

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Dương nói với giọng nhỏ nhẹ, đôi lúc ngắt quãng bởi theo bị cáo nhiều chi tiết đã lâu nên không nhớ rõ.

Trước tòa, Dương khai quá trình thành lập Công ty CNC được ông Phạm Quý Ngọ, nguyên thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu.

"Thời điểm đó tôi làm doanh nghiệp về đầu tư. Trong một số lần trao đổi công việc, anh Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) có nói theo quyết định thành lập của C50, phải có công ty “hóa trang” chức năng để làm nghiệp vụ. Tôi với anh Hóa lên gặp chú Ngọ và được đồng ý" Dương nói trước tòa.

Dương cũng khai không có ý định thành lập công ty CNC, nhưng sau đó được biết C50 có đề án xây dựng công ty bình phong để hoạt động kinh tế nghiệp vụ nên có ý định. Trong khi đó, nội dung ghi trong thỏa thuận hợp tác giữa CNC với C50 Dương không nhớ rõ.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại phiên tòa sáng ngày 19-11 tại tòa. Ảnh ĐỖ TRUNG
“Sau khi ký hợp tác với C50, công ty chúng tôi cũng đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tội phạm công nghệ cao. Có nhiều báo cáo trong hồ sơ vụ án thể hiện có báo cáo về phòng chống tội phạm nói chung. Giám sát của C50 thời điểm đó là anh Nguyễn Thanh Hóa. Quá trình hoạt động từ 2011-2015, mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm tôi đều có báo cáo. C50 vẫn cử người xuống kiểm tra", Dương nói.

"Trụ sở lúc đầu chúng tôi thuê bên ngoài. Năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám. Tôi được biết trụ sở này trước là của Tổng cục Chính trị Bộ Công an, sau này tôi được nghe là bàn giao lại cho Tổng cục Cảnh sát. Cục Chính trị hậu cần và Tổng cục Cảnh sát là bên cho thuê” Dương khai báo rõ ràng.

Trước câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc ai là người đề xuất để Công ty CNC về số 10 Hồ Giám? Nguyễn Văn Dương cho rằng, CNC có đề xuất với C50 và báo cáo cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa là cần trụ sở để làm việc, đồng thời có trụ sở đề có cán bộ Cục tham gia.

Trước đó, trong phần khai báo của mình, Phan Sào Nam cho rằng, việc một số cơ quan chức năng đã từng kiểm tra game bài Rikvip nhưng không bị xử lý. Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương cho rằng, có lẽ một số cơ quan chức năng biết là công ty nghiệp vụ nên không thấy kiểm tra gì nữa. Bị cáo khẳng định không nhờ ai can thiệp trong chuyện này.
Trước lời khai này, Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố một số lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam trước đó tại cơ quan điều tra. Theo đó, lời khai của bị cáo Nam tại cơ quan điều tra được toà công bố trong đó có nội dung về việc VTC Online từng bị PC50 kiểm tra. Dương đã gọi báo cáo ông Nguyễn Thanh Hóa báo việc này. Sau đó, anh ta thấy VTC không bị xử lý gì.
Dương giải thích do tạm giam lâu không nhớ và xác nhận những lời khai tòa vừa công bố là đúng. “Những gì tôi khai là đúng sự thật, mong HĐXX xem xét” - Dương nói.

Luật sự Trần Hồng Phúc thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương sáng nay với câu hỏi về việc C50 có kế hoạch tuyển bị cáo Dương vào ngành công an hay không? Bị cáo Dương xác nhận là có.

Dương khai, trong quá trình hợp tác với hoạt động của VTC Online thường xuyên báo cáo các cán bộ của C50 về tình trạng hoạt động các game khác trên thị trường. Tuy nhiên khi đó lãnh đạo C50 trả lời bị cáo rằng chế tài xử lý còn bất cập. Do vậy Dương thấy rằng cần xin cấp phép cho hoạt động game bài Rikvip và báo cáo C50 để báo cáo cấp trên.

Việc “quy hoạch” Dương vào ngành: “Cái này là chủ trương đã được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó để phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài của công an phòng chống tội phạm công nghệ cao” bị cáo trả lời trước tòa.

Phan Sào Nam xin lại 3 chiếc điện thoại

Trong phiên xét xử sáng nay, bị cáo Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty VTC online. Bị cáo bị truy tố về 2 tội: “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”. Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam đưa ra câu hỏi về việc bán 2 căn nhà tại quận 9, TPHCM để khắc phục hậu quả vụ án, về thời điểm mua và nguồn tiền lấy từ đâu?

Phan Sào Nam khai, căn nhà M10 vợ chồng mua năm 2013 và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất năm 2014. Việc mua bán căn nhà được thực hiện trước thời điểm bị cáo thực hiện tổ chức đánh bạc trên mạng internet. Số tiền mua căn nhà này là bằng tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng.

Nghe xong, luật sư hỏi: “Hiện nay 3 con anh còn rất nhỏ, trong đó con lớn hơn 10 tuổi, con bé hơn 1 tuổi, vậy sau khi bán căn nhà vợ con anh ở đâu?” Phan Sào Nam ngừng lời, trào nước mắt và cho biết, hiện vợ đang phải ở nhà thuê, các con bị cáo được ông bà nuôi.

Bên cạnh đó, bị cáo cũng đề nghị HĐXX được xin lại 3 chiếc điện thoại mà cơ quan điều tra thu giữ vì đây là tài sản bị cáo mượn của mẹ đẻ. Trong điện thoại cũng lưu giữ nhiều hình ảnh kỷ niệm của gia đình.

Bà Phan Thu Nga (mẹ Phan Sào Nam) được gọi lên bục khai báo để xác thực về lời khai của Nam. Trước bục dành cho người tham gia tố tụng khác, mẹ bị cáo Nam xác nhận lời khai của Nam là đúng và đề nghị được nhận lại điện thoại.

“Tôi muốn nhắn lại với con tôi rằng, mẹ con tôi đã đi với nhau từ khi sinh con ra, cháu mãi mãi là người con ngoan, học giỏi. Tôi mong sau sự việc này cháu nâng cao hiểu biết pháp luật. Tôi mong quý toà mở lượng khoan hồng để Nam có thể sớm trở về cống hiến cho xã hội. Ngoài ra, Nam còn 3 con nhỏ, các cháu còn quá bé và rất cần sự quan tâm của người bố. Các cháu có ông bà chăm sóc nhưng không thể bằng bố được. 3 cháu là tương lai của đất nước. Tôi kính xin quý toà hiểu được tấm lòng người mẹ của tôi" - mẹ bị cáo rơi nước mắt.

Tin cùng chuyên mục