Xì gas - nguy hiểm khôn lường

Liên tục trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến xì gas. 
Hiện trường vụ nổ bình gas với hậu quả thảm khốc tại nhà dân ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu (TP Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua
Hiện trường vụ nổ bình gas với hậu quả thảm khốc tại nhà dân ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu (TP Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua

Lo lắng bếp gas không an toàn mà nhiều gia đình chuyển sang nấu bếp điện, bếp từ, chấp nhận chi phí cao hơn. Trên thực tế, chỉ cần hiểu biết, bạn vẫn có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sạch, chi phí phải chăng này.

Nguyên nhân gây cháy, nổ gas

Gas thường dùng trong sản xuất và sinh hoạt là hỗn hợp khí propan (C3H8) và butan (C4H10) được nén với áp suất cao sẽ hóa lỏng và chứa trong các bình chịu áp lực bằng thép. Khi gas xì ra ngoài (do sang nạp hoặc rò rỉ từ van, đường ống dẫn gas…) giảm áp suất sẽ chuyển sang thể khí; gas nặng hơn không khí 1,5 lần nên bay là là trên mặt đất, ở những chỗ trũng, kín… kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp khí nguy hiểm gây cháy, nổ.

Gas có nhiệt độ tự bắt cháy rất thấp (466°C) khi có nguồn nhiệt tác động sẽ gây ra nổ, cháy toàn bộ phần thể tích khí gas xì ra, nhiệt lượng cháy của gas rất lớn đạt 11.000Kcal/kg và nhiệt độ ngọn lửa trong không khí đạt 2.000°C. Khi cháy hết phần thể tích gas xì ra ngoài, gas tiếp tục cháy từ chỗ gas xì ở bình gas và gây cháy lan khu vực xung quanh. Nếu có các bình gas bên cạnh sẽ tác động nhiệt vào bình làm tăng áp suất gây nổ, cháy lan rộng làm thiệt hại lớn và khó khăn cho công tác chữa cháy. Vì thế, nguy hiểm khôn lường!

Các nguyên nhân chính gây cháy nổ gas thường là: sang, chiết gas trái phép. Do áp lực cao, thiết bị không chuyên dùng và môi trường không đảm bảo an toàn, gas dễ bị rò rỉ và gặp nguồn nhiệt gây ra cháy, nổ. Bình gas không cố định chặt. Trong quá trình vận chuyển đặt bình không thẳng đứng, bị va đập, gây rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy. Bình gas sử dụng trên các phương tiện di động không cố định chặt, dây dẫn bị hở, gas thoát ra ngoài gặp nguồn lửa gây cháy.

Nguyên nhân nữa là rò rỉ gas. Khi sử dụng không kiểm tra bếp, dây dẫn bị nứt, bị chuột cắn làm rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy; đang sử dụng bếp bị tắt lửa do gió, do tràn thức ăn, gas vẫn rò rỉ ra gây cháy; quên khóa van sau khi đã tắt bếp, gas rò rỉ ra ngoài, tích tụ gặp nguồn lửa gây cháy…

Phòng tránh nguy cơ

Cách xử lý khi thấy dấu hiệu rò rỉ gas

Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện như công tắc đèn, quạt, kể cả việc bật, dùng điện thoại di động. Việc đầu tiên là tắt ngay bếp và các nguồn lửa khác xung quanh khu vực đặt bình. Đóng ngay van bình gas. Thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng. Tìm chỗ rò bằng cách quét nước xà phòng (tuyệt đối không dùng ngọn lửa để thử). Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại. Nếu không khắc phục được rò rỉ cần mang ngay bình ra nơi trống an toàn, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư. Cảnh giới cấm lửa tại khu vực bình rò rỉ, thông báo cho các cửa hàng, đại  lý hoặc các cơ quan PCCC biết để có biện pháp xử lý.
Gas vẫn luôn là nhiên liệu được yêu thích trong bếp của mỗi gia đình. Vì vậy, người tiêu dùng cũng nên trang bị một số kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng những bình gas. Trong đó, phải thường xuyên kiểm tra và vệ sinh dụng cụ (bếp, ống dẫn, van bình, van điều áp…) để kịp thời phát hiện và thay mới khi xảy ra tình trạng hư hỏng, nứt vỡ. Bình gas phải được đặt thẳng đứng, nơi thoáng khí và dễ thấy. Không đặt bếp gas trong phòng kín vì nếu có rò rỉ thì hơi gas không thoát ra ngoài được. Tránh lắp đặt hệ thống sử dụng gas ở gần các nguồn lửa khác như: bếp than, bếp củi, bếp điện, cầu dao điện…

Phải thường xuyên kiểm tra, tránh để bếp bị tắt lửa mà gas vẫn thoát ra. Không sử dụng dao, kéo để chặt, cắt chế biến món ăn trên hoặc bên cạnh ống dẫn, bình gas (vì có thể gây đứt, rách ống dẫn, làm rò rỉ gas).

Chọn bình và các thiết bị sử dụng gas đúng quy cách. Khi đun nấu và tắt bếp phải tuân theo quy trình: mở van chính ở bình gas; mở đánh lửa hoặc châm lửa (nên dùng bếp có bộ phận đánh lửa); khi tắt bếp phải đóng van của bình trước để phần khí trong dây dẫn được đốt cháy hoàn toàn sau đó mới tắt phần đánh lửa của bếp. Tuyệt đối không dùng lửa để phát hiện rò rỉ gas; chỉ có thể kiểm tra nơi nghi ngờ rò rỉ bằng nước xà phòng. Trong bếp nên đặt bảng “kiểm tra tắt hoàn toàn hệ thống sử dụng gas trước khi ra khỏi bếp” ở chỗ dễ thấy nhất.

Tại bếp nấu gia đình, nơi trưng bày bán lẻ bình gas cần được trang bị bình bột chữa cháy loại 8kg hoặc bình khí CO2 loại 5kg. Không nên đặt bàn thờ cúng trên hoặc gần khu vực để bình gas, bếp gas. Lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas, hệ thống báo cháy an toàn và thiết bị tự ngắt khi gas rò rỉ. Chỉ sử dụng các thiết bị và bình gas có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng.

Riêng với các cơ sở kinh doanh gas phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về an toàn PCCC. Trong đó, cửa hàng kinh doanh gas phải được thẩm duyệt về PCCC theo quy định. Có ít nhất 2 lối thoát nạn bố trí phân tán, cửa thoát nạn phải mở ra phía ngoài; hệ thống điện trong cửa hàng phải là hệ thống điện phòng nổ, toàn bộ thiết bị điện phải được khống chế chung bằng một thiết bị đóng ngắt (aptomat hoặc cầu dao kiêm cầu chì có hộp kín), tất cả các thiết bị điện phải được lắp đặt cách lớp bình gas ít nhất 1,5m.

Trong cơ sở phải được niêm yết biển cấm lửa, cấm hút thuốc, niêm yết nội quy, tiêu lệnh chữa cháy. Nhân viên cửa hàng phải được huấn luyện cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện nâng cao hàng năm. Trong cơ sở phải được trang bị phương tiện PCCC tối thiểu và để nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ sử dụng; các phương tiện phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định.

Không sửa chữa bình; sang, chiết, nạp gas tại đại lý, cửa hàng. Không kinh doanh bình gas mini đã nạp lại. Tại cửa hàng lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas và báo cháy an toàn… Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn trong vận chuyển gas. Trong đó, xe vận chuyển phải được cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy nổ theo quy định; xe phải có thùng chắc chắn, có sàn bằng vật liệu không cháy và không phát sinh lửa khi ma sát; nghiêm cấm chở bình gas bằng xe súc vật kéo…

Nguy hiểm tiềm tàng

Hiện nay, việc sử dụng các bếp gas xách tay mini ngày càng trở nên thông dụng. Đa số các bếp gas trên đều sử dụng bình gas nhỏ loại không được nạp lại nhưng trên thực tế nó đã được nạp lại đến cả hàng trăm lần, thậm chí bình đã bị móp méo, mài mòn. Đây là một trong những nguyên nhân chính đã để xảy ra một số tai nạn đáng tiếc thời gian qua. Theo quy định của các nhà chế tạo, các bình gas này chỉ sử dụng để chứa gas với tỷ lệ 5% propan và 95% butan, không được nạp lại.

Do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân… đã nạp lại bằng nguồn gas hiện có trên thị trường để cung cấp cho người tiêu dùng. Theo kết quả kiểm tra, nguồn gas trên thị trường hiện nay thường có tỷ lệ khoảng 50% propan - 50% butan (hoặc 60 - 40, 70 - 30). Trong hỗn hợp gas, propan là khí nhẹ hơn butan nên khi nạp vào bình thì cần phải tăng áp suất nhiều hơn và loại khí nào có hàm lượng propan nhiều hơn thì cháy đượm hơn. Do propan nhẹ hơn butan nên cần áp lực nén cao hơn, nguy hiểm nổ vật lý nhiều hơn.

Với tỷ lệ vùng áp suất hơi bão hòa của gas trong bình ở 40°C sẽ tăng từ 3,2kg/cm² lên 8 - 9 - 10kg/cm², vượt quá áp suất làm việc cho phép của bình chứa gas. Mặt khác, cấu tạo của lớp vỏ bình gas loại mini mỏng hơn nhiều so với bình loại 12kg, 45kg và do sử dụng nhiều lần bị oxy hóa nên lớp vỏ bình lại càng mỏng và chịu lực kém hơn. Sự tăng áp suất do chênh lệch tỷ lệ propan và butan, khả năng chịu lực kém của vỏ bình và tác động của nguồn nhiệt từ bếp là nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ.

Tin cùng chuyên mục