Xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa:Thực hiện trên cả ba khâu biên soạn, in ấn, phát hành

Sau khi Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận chính thức về hoạt động tài chính và xuất bản sách giáo khoa (SGK) của Nhà Xuất bản Giáo dục, như Báo SGGP đã đưa tin, trong đó có kết luận: NXB GD đã xây dựng cơ cấu giá bán SGK chưa hợp lý, chi phí phát hành sách cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực, đồng thời đưa ra kiến nghị về việc xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK, ngày 20-4, Bộ GD-ĐT có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Thứ trưởng Phạm Vũ Luận ký, trong đó nêu rõ sẽ đưa ra các phương án sửa đổi cơ chế xuất bản SGK trên cả ba khâu biên soạn, in ấn và phát hành.

SGK sẽ có nhiều bộ để lựa chọn

Một trong những phương án được coi như là lộ trình của việc sửa đổi cơ chế xuất bản SGK cũ được Bộ GD-ĐT đưa ra đó là, sẽ nâng cao chất lượng của SGK bằng cách cho phép các tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn.

Như vậy, dựa trên quy định của Luật Giáo dục 2005, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Cùng với những kinh nghiệm thực tế trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cho nhiều cá nhân, tập thể tác giả tham gia vào việc biên soạn SGK, dựa trên chương trình giáo dục phổ thông thống nhất đã được Bộ GD-ĐT ban hành.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc SGK không chỉ tồn tại một bộ và coi như đó là sự lựa chọn duy nhất như hiện nay mà sẽ có nhiều bộ SGK, sau khi được Hội đồng thẩm định quốc gia duyệt. Theo đó, các địa phương, trường học có nhiều lựa chọn hơn trong việc đưa các bộ SGK tốt vào sử dụng trong giảng dạy.

Tổ chức đấu thầu phát hành

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và báo cáo của Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT, chi phí phát hành SGK của NXB GD cao hơn so với mặt bằng chung của cả khu vực khoảng 4%! Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành của SGK.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế mới để quy định giá bán SGK trong toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những lựa chọn là đưa ra một giá chung cho SGK trên toàn quốc và có những cơ chế hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, các tỉnh có khó khăn hoặc có giá thành khác nhau cho mỗi vùng, miền.

Trên cơ sở xây dựng được phương án về giá, bộ sẽ tổ chức phương án đấu thầu rộng rãi việc phát hành SGK, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh tốt với các đơn vị tham gia phát hành. Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì tổ chức đấu thầu in sách giáo khoa các lớp đã ổn định về mặt nội dung, công khai theo quy chế đấu thầu và các văn bản pháp luật hiện hành để lựa chọn các nhà in tốt tham gia in SGK. Với hy vọng việc tổ chức đấu thầu rộng rãi, khâu in ấn và phát hành sẽ đạt mục đích giảm thiểu giá thành SGK.

Giá SGK 2007-2008 vẫn ở mức cao

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tuy đã đề xuất các phương án nhằm sửa đổi cơ chế độc quyền xuất bản SGK, song kế hoạch cụ thể sẽ được đưa ra chậm nhất vào tháng 12-2007. Điều này cũng đồng nghĩa với việc học sinh vẫn tiếp tục phải sử dụng những bộ SGK cũ với giá không đổi.

Để giải thích cho vấn đề này, bộ đã đưa ra lý do: Việc in và phát hành SGK phục vụ cho năm học 2007-2008 đã được NXB GD triển khai từ tháng 10-2006 để kịp phục vụ cho năm học mới. Tính tới thời điểm này, chỉ còn SGK lớp 11 chưa tổ chức in đại trà vì đang trong quá trình chỉnh sửa. Vì vậy, việc xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK cũng không thể thực hiện ngay được trong năm học 2007-2008.

Tuy nhiên, bộ cũng đưa ra một giải pháp tăng phần hỗ trợ cho các em học sinh thuộc diện chính sách thông qua các phiếu giảm giá với tổng giá trị dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.

Trong tháng 4 và tháng 5-2007, Bộ GD- ĐT sẽ chỉ đạo NXB GD tiến hành thực hiện nghiêm các công việc nhằm chấn chỉnh và khắc phục những sai sót theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể:

- Kiểm điểm tổ chức cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng, hỗ trợ kinh phí chưa đúng nội dung quy định.

- Chấn chỉnh công tác quản lý giá thành để đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính về giá thành sản phẩm theo quy định của Nhà nước.

- Xây dựng quy chế tài chính nội bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động hỗ trợ.

ĐINH LAN -VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục