Xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng đời sống mới. Nhiều chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi cao về bài trừ các hủ tục…

Vẫn còn nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh 

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII chỉ rõ “Phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu”. Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội) định hướng loại bỏ dần những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan. 

Trong nhiều năm qua, trong quá trình xây dựng một nền văn hóa mới, các mặt của đời sống văn hóa đất nước đã có nhiều chuyển biến theo hướng văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc tang, lễ hội đã có nhiều hủ tục, nhiều mặt hạn chế cơ bản được khắc phục. Có thể xem đây là những kết quả trong việc xây dựng nền văn hóa mới văn minh, tiến bộ. 

Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh gây phản cảm và lo lắng cho xã hội nếu không được kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn. Một số lễ hội trở nên xô bồ quá mức, người ta chen lấn nhau để tranh cướp lộc, tranh cướp ấn đền với mong muốn được làm “quan”.

Rất nhiều ngôi chùa, những người đi chùa đã nhét cả tiền lẻ vào miệng các tượng Phật. Cúng sao giải hạn trước đây chỉ có ở những ngôi chùa ngoài miền Bắc thì nay đã len lỏi vào tận các ngôi chùa ở TPHCM.  

Nhiều người còn “chỉ điểm”, bây giờ nếu phân biệt giàu nghèo hãy đi vào nghĩa trang. Ở nhiều nơi, có những ngôi mộ người dân xây cả tỷ đồng. Việc xây cất lăng mộ cầu kỳ, tốn kém đang trở thành “mốt”. Nhiều gia đình có đám tang nhưng tổ chức hát hò, ăn nhậu thậm chí còn “vui hơn đám cưới”. Nhiều xe công vẫn mang những biển số được xem là “đẹp”, là “lộc phát”…

Dựa vào chức sắc tôn giáo có uy tín để đấu tranh

Tất cả những bất cập, hạn chế nêu trên nếu không nhanh chóng được khắc phục thì đừng nói đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; ngay việc có môi trường sống khả dĩ chấp nhận đã là khó khăn. Trách nhiệm này không của riêng ai, nhưng với vị trí, vai trò của mình, hệ thống MTTQ các cấp nên đứng ra lãnh trách nhiệm chính nặng nề này.

MTTQ cần có chương trình tổng thể để Ban công tác mặt trận ở ấp, khu phố thường xuyên phối hợp với các đoàn thể đưa các nội dung về chống các hủ tục, chống mê tín dị đoan vào sinh hoạt ở tổ dân phố, sinh hoạt định kỳ ở khu dân cư.

Việc này cần triển khai để mọi gia đình đăng ký cụ thể không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, không tổ chức tang lễ linh đình, không rải vàng mã trên đường đưa tang, không đốt vàng mã (hoặc chỉ đốt rất ít mang tính tượng trưng), không tổ chức hát múa, trống kèn inh ỏi trong đám tang...

Đặc biệt, MTTQ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về việc bài trừ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội, lên án mạnh mẽ các biểu hiện mê tín dị đoan trong đời sống để hướng người dân thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ.

Sẽ khó để xây dựng được văn minh đô thị nếu các cơ quan có trách nhiệm không dựa vào các vị chức sắc có uy tín của các tôn giáo. Vì vậy, hãy mời các nhân vật nổi tiếng, các vị chức sắc tôn giáo, các chuyên gia lên các diễn đàn truyền thông để hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.

Tin cùng chuyên mục