Xóa độc quyền sách giáo khoa

Những ngày này, vấn đề khan hiếm sách giáo khoa (SGK), nhất là SGK các lớp đầu cấp gồm lớp 1, 6, 10 đang thu hút quan tâm của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về thị trường SGK đầy tính độc quyền bao lâu nay. 

Theo thông tin từ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD), riêng với năm học 2018 - 2019, tính đến thời điểm ngày 20-8, NXBGD đã phát hành được 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch năm nay và vượt 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao năm nào SGK cũng phải in lại dù kiến thức SGK thường được cho là chuẩn xác, có tính ổn định lâu dài? Cộng thêm tình trạng học sinh phải mua SGK này rồi lại bỏ để mua SGK khác theo yêu cầu của nhà trường là vô cùng lãng phí. Tại sao chỉ có duy nhất một NXB được phép in SGK mà không phải là cho nhiều NXB được đấu thầu cạnh tranh in SGK? Ngoài SGK, NXBGD “nắm” một thị phần khủng các loại sách tham khảo, cũng in theo bộ, và đó thực sự là một lợi nhuận cực béo bở?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2017-2018, Việt Nam có gần 16 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT. Đây là những đối tượng đang sử dụng SGK trong các trường học. Phục vụ gần 16 triệu học sinh nhưng chỉ có 1 NXB chịu trách nhiệm phát hành SGK hàng năm và đây được coi là thị trường độc quyền béo bở của NXBGD. Theo tính toán của GS Nguyễn Xuân Hãn, hiện có tới 556 đầu SGK các loại (trong đó có 251 đầu SGK cho học sinh). Trung bình mỗi lớp thầy trò phải sử dụng tới 45 cuốn SGK. So với sách tham khảo, SGK không đắt, nhưng với số lượng lớn bản sách đã in thì nguồn tài chính của người dân đổ vào SGK không hề nhỏ. 

Đáng nói là, những năm gần đây, SGK gần như ít được học sinh sử dụng lại. Một phần do nhiều phụ huynh không đành lòng để con em mình dùng sách cũ, một phần do SGK hiện nay thiết kế để học sinh làm phần bài tập ngay trong SGK nên rất khó sử dụng lại. Có nhất thiết lồng phần nội dung bài tập ngay trong SGK như vậy hay không? hay nên tách các nội dung ra để SGK có thể tái sử dụng, tránh lãng phí. Năm nào sách cũng được in mới, mua mới, quả là một sự lãng phí nguồn lực không hề nhỏ với hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế, đầu mỗi năm học phụ huynh phải bỏ tiền triệu để mua các loại sách cho con, nhưng hết năm học bán giấy vụn chỉ được vài ngàn đồng. Nhiều cuốn sách mà học sinh ít dùng như SGK các môn công nghệ, mỹ thuật… thậm chí còn mới toanh nhưng vẫn phải bỏ. 

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Điều này nhằm tránh trường hợp có những bộ hoặc cuốn SGK không có NXB nào đứng ra biên soạn và phát hành, gây bị động cho việc dạy và học ở các nhà trường. Bộ sách do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Như vậy, tới đây Việt Nam sẽ xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực SGK. 

Theo một số chuyên gia giáo dục, trước đây, khi bàn về Nghị định 75 của Chính phủ triển khai Luật Giáo dục năm 2005, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đưa một khoản về xuất bản SGK vào nghị định để tránh độc quyền biên soạn và in SGK. Tuy nhiên, sau đó vấn đề này được cho là không khả thi vì sẽ hiếm có NXB tư nhân nào dám bỏ ra hàng chục tỷ đồng để biên soạn SGK đầy rủi ro. Bởi chỉ cần hội đồng thẩm định không đồng ý SGK của họ thì NXB sẽ mất cả chì lẫn chài... Rõ ràng, nếu như chúng ta huy động được các NXB khác tham gia vào thị trường SGK thì việc độc quyền thị trường béo bở này sẽ bị hạn chế. Việc xóa bỏ độc quyền biên soạn và phát hành SGK là xu hướng tất yếu. Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng SGK và không bị lệ thuộc quá nhiều vào một đơn vị cung ứng là xóa bỏ độc quyền, cho phép xuất bản nhiều bộ sách, tạo sự cạnh tranh giữa các tác giả, các NXB sách giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng. Đây cũng cách mà nhiều quốc gia đã triển khai. 

Thay vì chỉ có một bộ SGK và chỉ một NXB chịu trách nhiệm thì tới đây, SGK có thể “trăm hoa đua nở”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào kiểm soát được thị trường và có bao nhiêu NXB sẵn sàng tham gia thị trường xuất bản SGK? SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành sách không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội, vì đó là nhu cầu thiết yếu của từng gia đình. Nhiệm vụ của các NXB là phải đảm bảo đủ SGK cho người học. Hiện nay mới chỉ có một bộ SGK thống nhất với một NXB mà đã có những bất cập như vừa qua, thì tới đây, khi có nhiều bộ SGK, nhiều NXB in SGK, việc điều tiết thị trường đặc biệt này sẽ ra sao? Rõ ràng, ngành giáo dục cũng như cơ quan phát hành sách phải có nhiệm vụ nắm bắt được nhu cầu và khả năng chi trả của người dân về SGK trước khi phát hành, không để rối loạn như vừa qua. Hơn nữa, chắc chắn sẽ phải có sự điều tiết của nhà nước để thị trường SGK không bị rối loạn mà thay vào đó có sự ổn định, đúng với tính chất đặc thù của ngành giáo dục.

Bộ TT-TT đã cấp giấy phép cho các NXB: Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế có chức năng xuất bản SGK. Một “cuộc chơi mới” sẽ bắt đầu. Sẽ không còn việc độc quyền SGK. Chúng ta hy vọng khi thị trường SGK được điều chỉnh, thì không những vấn đề chất lượng mà giá cả, sự tiện lợi cho người dân cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực. Dĩ nhiên, trong đó có cả mong muốn sẽ bớt lãng phí trong việc in SGK.

Tin cùng chuyên mục