Xu hướng làm sách chuyên môn hóa

Cơ chế mở đã giúp ngành xuất bản có một môi trường năng động và cởi mở, nhờ đó các ấn phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Sự ra đời của xu hướng làm sách chuyên môn hóa cho thấy thị hiếu của độc giả đang được nâng cao
Sự ra đời của xu hướng làm sách chuyên môn hóa cho thấy thị hiếu của độc giả đang được nâng cao
 Đặc biệt, thời gian gần đây, ngoài nhà xuất bản (NXB) hay các công ty chuyên làm sách, thị trường xuất bản còn chứng kiến sự ra đời của nhiều đầu sách được làm theo dạng chuyên môn hóa đến từ các nhóm, tổ chức độc lập. Cách làm này mang đến những đầu sách mà bạn đọc đang thực sự cần. 

Ai cũng có thể làm sách

Từ trước đến nay, ngành xuất bản đang tồn tại 2 mô hình chính: NXB và các công ty sách tư nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây có thêm những nhóm/tổ chức chuyên về một lĩnh vực nào đó, nhưng cũng tham gia vào lĩnh vực xuất bản như một hoạt động cộng thêm. Họ không làm sách theo kiểu đại trà mà chỉ chuyên về một dòng sách, theo thế mạnh và khả năng của mình.  

Là tổ chức khoa học - công nghệ có mạng lưới các chuyên gia hoạt động nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội Việt Nam đương đại, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) tham gia vào lĩnh vực xuất bản và lần lượt giới thiệu các ấn phẩm: Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (3 tập); Trò chuyện cùng Dương Ngọc Dũng - Tình yêu, tôn giáo và triết học; Ứng xử kinh tế của nông hộ; Từ phụ huynh đến nhà giáo… Mới đây, Social Life cũng vừa giới thiệu dự án sách Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc, với mục tiêu lưu giữ những di sản văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Nam bộ. Ngay sau khi ra mắt, dự án đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng và sắp ra mắt cuốn sách thứ 2. 

Xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nhưng RIO Book nhanh chóng được biết đến là nơi cho ra đời những ấn phẩm thu hút và hấp dẫn, có sự kết hợp giữa marketing và designer. Trên thực tế, RIO Book chỉ là một trong những dự án của RIO Creative - một công ty về truyền thông và sáng tạo. Hiện tại, RIO Book đang triển khai 2 dự án xuất bản, gồm: Tủ sách mỹ thuật ứng dụng trong marketing, mang đến những đầu sách cung cấp giải pháp toàn diện với các góc nhìn đa chiều, với nhiều điểm chủ thể trong hoạt động marketing thị giác. Ngoài ra, dự án Tạp chí GAM7 Book với những ấn phẩm chuyên ngành dành riêng cho cộng đồng những người làm marketing Việt Nam, quy tụ những bài viết được chọn lọc từ các chuyên gia hàng đầu và cung cấp thể nghiệm thiết kế mới giúp bạn đọc dễ dàng theo dõi và thưởng thức nội dung. 

Trước đây, Trường Đại học Hoa Sen cũng từng thành lập Ban Tu thư - Dịch thuật, giới thiệu đến độc giả nhiều đầu sách có giá trị, được giới chuyên môn phản hồi tốt, như: Ý niệm đại học; Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì; Bí ẩn nữ tính; Hỏi đường mây trắng qua; Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên; Tủ sách điện ảnh… Sau 8 năm hoạt động, ban đã xuất bản được 75 đầu sách, với tổng số lượng in khoảng 100.000 bản. Đáng tiếc, vào tháng 6-2017, ban có thông báo giải thể. 

Đánh giá về xu hướng này, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, một số tổ chức về kinh tế, văn hóa, xã hội…, hay những tổ chức khác không chuyên về xuất bản nhưng bắt đầu hình thành những bộ phận chuyên trách xuất bản. Tôi cho rằng đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển và sẽ có ngày càng nhiều trong xã hội. Cần có sự khuyến khích và mở rộng các mô hình này. Nó vừa phù hợp với xu thế của thị trường, cạnh tranh bằng cách tạo ra những dòng sản phẩm khác biệt; đồng thời, thông qua xuất bản phẩm để phục vụ cho nhu cầu đào tạo, phát triển ngành nghề của nhóm/tổ chức đó và cả cho toàn xã hội”.

“Có nhiều cơ hội để phát triển”

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng khi nói về việc làm sách theo xu hướng chuyên môn hóa. Ông Lê Hoàng lý giải: “Thứ nhất là từ nhu cầu tự thân của các nhóm/tổ chức trong việc dùng sách để phục vụ cho hoạt động của họ. Thứ hai, những quyển sách này thực ra không chỉ phát hành mang tính nội bộ phục vụ cho bản thân nhóm/tổ chức đó, mà cũng cần phát hành ra thị trường rộng rãi để phục vụ cho cộng đồng, cho nhiều tri thức, những bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, cần đọc những tác phẩm đó. Thành ra, xu hướng này phù hợp với nhu cầu của xã hội và nhu cầu của chủ thể. Tôi nghĩ rằng nó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, dự báo sẽ có nhiều nhóm, nhiều ban tu thư ra đời”.  

Từ sự lạc quan đó, ông Lê Hoàng cho rằng: “Các NXB và các nhóm/tổ chức này sớm tìm cách liên kết với nhau để chia sẻ, từ công việc nội dung, đề tài đến vốn liếng, thị trường. Bởi mỗi bên có một thế mạnh riêng. Chẳng hạn, các nhóm/tổ chức có lợi thế về tìm kiếm đề tài nội dung, bản quyền; còn công việc của NXB mà các nhóm/tổ chức không thể làm thay được như: thẩm định, biên tập nội dung, thủ tục đăng ký đề tài, in ấn, quảng bá, phát hành… Bởi vậy, chúng ta nên khuyến khích theo hướng kết hợp giữa hai bên trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mình và lợi thế của nhau”. 

Theo chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, sáng lập viên của Social Life, một trong những lý do để anh cùng cộng sự của mình quyết định không lựa chọn gửi gắm bản thảo qua NXB hay các công ty là để có sự chủ động hoàn toàn trong việc làm ra một ấn phẩm theo mong muốn của mình về nội dung cũng như hình thức. Đương nhiên, các ấn phẩm này vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc của NXB, bởi vì NXB chính là nơi cấp giấy phép xuất bản. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc bày tỏ: “Có những cuốn sách chúng tôi biết chắc in ra không phải để kinh doanh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tác phẩm ra đời đến tay bạn đọc nhiều nhất, tốt nhất. Bởi tôi từng có thời gian làm ở NXB nên biết rằng, chưa bao giờ làm sách có lời. Chúng tôi không phải là đơn vị kinh doanh sách. Thay vì trước đây mình giao cho một đơn vị thực hiện nhưng không đúng ý mình thì bây giờ mình tự tay làm. Sách hiện tại là sản phẩm kèm theo dự án nghiên cứu, kết quả nghiên cứu được công bố ra để mọi người đón nhận, phê bình nếu cần”.

Vì không có lợi thế về mặt phát hành như các NXB hay công ty sách, vì vậy số lượng cho mỗi đầu sách của Social Life cũng được tính toán một cách cầm chừng, 500 - 2.000 bản, khi hết sẽ tái bản. “Nó không lời nhưng không lỗ. Ngoài ra, chúng tôi còn dành một số lượng nhất định làm quà tặng cho những nhà nghiên cứu, đồng nghiệp, đó chính là phần lời. Các công ty có lợi thế làm trước, có cộng đồng sẵn và hệ thống phát hành lớn, nhưng hiện tại công nghệ giúp cho các nhà làm sách độc lập có thể phát hành được qua Internet”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết. 

Các đầu sách được làm theo hướng chuyên môn hóa, nhắm đến một đối tượng nhất định nên theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, một trong những điều quan trọng để đạt được hiệu quả chính là cần xây dựng một cộng đồng cho riêng mình. Điều này được chứng minh từ trường hợp của RIO Book. Nhờ có cộng đồng từ trước, nên chỉ sau 24 giờ đầu mở bán, cuốn sách Brand & Bricks - Tự tay xây dựng thương hiệu tại thị trường Việt Nam đã có hơn 500 đơn đặt hàng. Đây là con số thực sự ấn tượng không chỉ với RIO Book mà còn với các đơn vị xuất bản khác.

Ra mắt vào tháng 11-2014, tập 1 của Long Thần Tướng đã gây tiếng vang lớn trong dư luận và trở thành một trong những sự kiện xuất bản trong năm 2014. Đứng sau tác phẩm truyện tranh lịch sử này không phải NXB hay một công ty sách nào đó mà là nhóm vẽ Phong Dương Comics. Ban đầu, nhóm chỉ gồm 2 người là họa sĩ Thành Phong và biên kịch Khánh Dương, sau này có thêm Mỹ Anh và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trong vai trò cố vấn lịch sử. Từ đầu, Phong Dương Comics đã áp dụng hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) để xuất bản. Ở tập đầu tiên, nhóm đã gây quỹ được hơn 330 triệu đồng. Không chỉ thắng lớn ở thị trường trong nước, Long Thần Tướng (hiện đã có tập 4) còn tạo ấn tượng trên thị trường quốc tế khi được vinh danh tại Giải thưởng Truyện tranh quốc tế (International Manga Award) vào năm 2016. Tác phẩm còn được mua bản quyền, dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Tây Ban Nha...

Tin cùng chuyên mục