Xử lý 207 vụ, 256 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng

Sáng nay 25-7, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ở TPHCM”. 
Phó Vụ trưởng Vụ 3, Viện KSND Tối cao Đỗ Mạnh Bổng phát biểu tại hội nghị
Phó Vụ trưởng Vụ 3, Viện KSND Tối cao Đỗ Mạnh Bổng phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện KSND Tối cao, Công an TPHCM và Viện KSND các quận huyện của TPHCM.

Báo cáo tại hội nghị đã đánh giá tình hình thụ lý, giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM những năm qua; những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tội phạm và các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xà xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trên địa bàn TPHCM có khoảng 2.000 đơn vị thuộc hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế hoạt động khá đa dạng và phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Đặc điểm, tình hình trên tạo môi trường cho các đối tượng tội phạm hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, nổi lên chủ yếu ở một số dạng như: Lãnh đạo, cán bộ ngân hàng cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng; quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém để xảy ra tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng; móc nối với cán bộ ngân hàng làm sai lệch hồ sơ tín dụng để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của ngân hàng; làm giả tài liệu, giấy tờ để chiếm đoạt tiền của ngân hàng hoặc làm giả tài liệu của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; lợi dụng sơ hở trong thực hiện quy trình nghiệp vụ tín dụng, mở tài khoản thẻ, kiểm tra giao dịch, thanh toán của ngân hàng để thực hiện hành vi tội phạm…

Tổng số vụ mà cơ quan chức năng điều tra, khám phá và xử lý thời gian qua lên tới 207 vụ với 256 bị can.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến đại diện Viện KSND các cấp nêu những nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc làm phát sinh tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó có sự bất cập trong cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Tội phạm ngân hàng rất đa dạng, trong khi nhiều văn bản, quy định pháp luật chưa rõ ràng, dẫn đến nhận thức, đánh giá về tội danh, chứng cứ của các cơ quan tố tụng còn khác nhau như: các dấu hiệu định tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”…, dẫn đến một số vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

 Từ thực tế trên, theo Phó Vụ trưởng Vụ 3, Viện KSND Tối cao Đỗ Mạnh Bổng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cần chú trọng vào các nhóm giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kết hợp với điều tra, xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lợi dụng kẽ hở của cơ chế để tiêu cực, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và Viện KSND; tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, hệ thống pháp luật về tín dụng, ngân hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục