Xử lý hành vi đổi tiền lẻ trái luật

Báo SGGP ngày 14-12 có bài “Mua bán tiền lẻ, lừa đổi tiền giả”, đề cập dịch vụ đổi tiền lẻ (để cúng và lì xì dịp tết) đang nhộn nhịp hoạt động. Mặc dù, hành vi đổi tiền lẻ vì mục đích kiếm lời là vi phạm pháp luật nhưng những người thực hiện hành vi này chẳng mấy bận tâm, không sợ bị xử lý, nên hoạt động này diễn ra gần như công khai ngay trước mặt cơ quan chức năng. 

Đó là một thực tế vẫn diễn ra nhiều năm. Chỉ cần lên mạng “search” là có hẳn địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Chỉ cần cho địa điểm sẽ có người mang tiền đến tận nơi. Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, hành vi đổi tiền lẻ trái pháp luật có thể bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, và gấp đôi như vậy đối với tổ chức vi phạm. Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật cấm nhưng người vi phạm không bị xử lý?

Rõ ràng là do các cơ quan chức năng liên quan buông lỏng quản lý. Mặt khác, các tổ chức tín dụng chưa quản lý tốt số tiền mệnh giá nhỏ được phân phối, phát hành, nên số tiền lẻ này “chảy” vào tay một số cá nhân, tổ chức hoạt động đổi tiền trái phép.

Các cơ quan chức năng cần quan tâm triệt phá tận gốc các tổ chức, cá nhân đang trục lợi bằng việc đổi tiền trái luật. Việc phát hiện, xử lý không khó, vì rất dễ dàng gặp, liên hệ giao dịch đổi tiền. Cùng với đó các cơ sở thờ tự nên nhắc nhở, vận động người dân không dùng tiền lẻ để rải, ném, cúng. Bởi lẽ, như vậy vừa phản cảm, vừa vô tình tiếp tay cho hoạt động đổi tiền lẻ có cơ hội tồn tại, phát triển.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, có sự phân phối hợp lý số tiền lẻ phát hành cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, tuồn tiền lẻ ra ngoài trái quy định, tiếp tay cho tổ chức, cá nhân vi phạm, phải xác minh, xử lý nghiêm.

Tin cùng chuyên mục