Xử lý hành vi lợi dụng người khuyết tật

Trong những ngày gần tết, có những kẻ lợi dụng người khuyết tật, ép buộc họ phải hát xin tiền đến khàn giọng hoặc phải lang thang cả ngày bán vé số kiếm tiền cho chúng. Pháp luật nước ta có quy định những chế tài gì nhằm xử lý và ngăn chặn hành vi nhẫn tâm như vậy?

Trong những ngày gần tết, có những kẻ lợi dụng người khuyết tật, ép buộc họ phải hát xin tiền đến khàn giọng hoặc phải lang thang cả ngày bán vé số kiếm tiền cho chúng. Pháp luật nước ta có quy định những chế tài gì nhằm xử lý và ngăn chặn hành vi nhẫn tâm như vậy?

Lợi dụng người khuyết tật để thu lợi cho bản thân là hành vi trái pháp luật. Khoản 4 Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định nghiêm cấm hành vi “lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”. Đối với hành vi trên, căn cứ theo Điều 9 Nghị định 144/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi.

Không chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt hành chính, tùy từng trường hợp cụ thể, những kẻ chọn cách kiếm sống bằng việc “ký sinh” trên người khuyết tật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Cụ thể, nếu hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của người khuyết tật, thì người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS), tội hành hạ người khác (Điều 110 BLHS). Nếu cố ý giam giữ người khác để bóc lột thì sẽ cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Trong trường hợp người khuyết tật bị bóc lột làm việc có quan hệ là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng, thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu với tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151 BLHS).

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục