“Xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm là trách nhiệm của thành phố Hà Nội”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói: “Đây là trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, Hà Nội phải thực hiện. Riêng tòa nhà 8B Lê Trực có vướng ở vấn đề kỹ thuật, nếu Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ”.

Chiều 4-6, sau Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Trong văn bản trả lời được gửi đến các vị ĐBQH ngay trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, trong thời gian tới, chưa có dấu hiệu gì cho thấy có “bong bóng” bất động sản. Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng "sốt" cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lý giải, theo kinh nghiệm của các nước cũng như ở nước ta trong những năm qua thì thị trường phát triển quá nóng, “bong bóng” bất động sản thường chỉ xảy ra khi có đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố như kinh tế vĩ mô không ổn định, tăng trưởng nóng. Các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn (thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…). Nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản bị hạn chế, quá thiếu so với nhu cầu. Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, chuẩn tín dụng bị hạ thấp; nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn. Cuối cùng, và hết sức quan trọng là thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước.

Đánh giá các yếu tố nêu trên trong ngắn hạn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục phát triển ổn định. Các thị trường đầu tư khác như thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng… dự báo chưa có biến động lớn. Nguồn cung bất động sản hiện nay khá lớn so với nhu cầu, chưa có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm bất động sản.

“Thị trường hiện nay chỉ thiếu nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc bình dân, giá thấp và nhà ở xã hội. Nhiều dự án đang được điều chỉnh để tăng nguồn cung phân khúc giá trung bình. Mặt khác, phần lớn các dự án vẫn được triển khai đúng tiến độ và bàn giao nhà đúng thời hạn, thời gian vừa qua chỉ xảy ra cơn sốt cục bộ đối với đất nền, riêng phân khúc căn hộ chung cư (là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản) thì vẫn diễn ra bình thường, giá cả tương đối ổn định”, người đứng đầu ngành Xây dựng nhận định.

Vẫn theo ông Phạm Hồng Hà, chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, cung cấp tín dụng có kiểm soát đối với các phân khúc bất động sản cao cấp, tiềm ẩn rủi ro, đồng thời ưu tiên cấp tín dụng đối với nhà ở xã hội, tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản ngày càng được chú trọng; tiếp tục sử dụng các công cụ kiểm soát thị trường (chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư các dự án...). Các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng cũng đã có sự am hiểu, kinh nghiệm và tính toán hợp lý hơn khi tham gia thị trường.

“Dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản. Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp. Thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do cung cầu hoặc không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án bất động sản, nhất là tại Hà Nội và TPHCM”, báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ.

Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về trách nhiệm của Bộ Xây dựng về sự chậm trễ trong việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực và khu chung cư HH Linh Đàm (đều ở Hà Nội) – những công trình vi phạm pháp luật về xây dựng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói: “Đây là trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, Hà Nội phải thực hiện. Riêng toà nhà 8B Lê Trực có vướng ở vấn đề kỹ thuật, nếu Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ”.

“Xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm là trách nhiệm của thành phố Hà Nội” ảnh 2 ĐB Nguyễn Thanh Hồng

ĐB Nguyễn Thanh Hồng lập tức tranh luận: “Tôi thấy Bộ trưởng khá lúng túng. Sao lại “nếu Hà Nội yêu cầu”? Như thế không đúng với vai trò Bộ quản lý ngành xây dựng. Đúng là địa phương có trách nhiệm chính, nhưng vai trò tham mưu cho Chính phủ giải quyết khó khăn ở địa phương của Bộ thì sao?”. ĐB Hồng sau đó đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cam kết với cử tri về việc giải quyết dứt điểm các sai phạm này.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết thêm, Bộ đã có văn bản gửi Hà Nội yêu cầu chỉ đạo thực hiện khắc phục vi phạm ở 8B Lê Trực, đã giao Cục Giám định của Bộ đánh giá kết cấu chịu lực của tòa nhà. Ông tiếp tục khẳng định nếu Hà Nội có yêu cầu về chuyên môn thì Bộ tiếp tục hỗ trợ.

Đề cập đến nhiệm vụ di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, cơ sở giáo dục để giảm áp lực cho nội đô Hà Nội, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận định, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã 8 năm, nhưng nội dung quan trọng này trong Luật đã không đi vào cuộc sống. Chưa cơ sở giáo dục nào di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp, một số cơ sở di dời không trả lại đất, đi ngược lại mục tiêu ban đầu…

Thừa nhận tiến độ thực hiện chủ trương trên là rất chậm, song Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng ở đây có trách nhiệm của rất nhiều bộ ngành liên quan và chính quyền Hà Nội. Cơ chế tài chính, nguồn lực cho di dời, việc bố trí quỹ đất để di dời và cơ chế sử dụng quỹ đất trong nội đô sau di dời cũng chưa đầy đủ… Thậm chí có Bộ, ngành còn chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí cơ sở di dời.

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm tắt vấn đề: “Việc này thực hiện rất chậm, có trách nhiệm của các Bộ ngành và cả Bộ Xây dựng nữa, đề nghị sau cuộc chất vấn này Bộ trưởng phải ngồi lại với các bộ ngành để làm rõ chậm ở chỗ nào, khắc phục như thế nào”.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng sử dụng quyền tranh luận để “nhắc nhở” thêm về việc Ủy ban Pháp luật đã tiến hành giám sát nội dung này và đưa ra nhiều kiến nghị, nhưng những kiến nghị này đã không được thực hiện nghiêm túc.

Tin cùng chuyên mục