Xử lý rủi ro pháp lý cho dự án PPP như thế nào?

Sáng 29-8, Ủy ban Kinh tế có phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Trình bày tóm tắt về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Đức Trung cho biết, dự án Luật được khởi động soạn thảo từ tháng 7-2018, đã được Chính phủ cho ý kiến, đang trong quá trình hoàn thiện để trình Ủy ban Kinh tế thẩm tra.

Dự thảo Luật trình Ủy ban Kinh tế lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP so với trước theo hướng không áp dụng hình thức PPP ở những lĩnh vực trước nay chưa có dự án, hoặc có dự án nhưng không hiệu quả, hoặc có thể triển khai theo hình thức đầu tư khác.

Cụ thể, các lĩnh vực đầu tư PPP gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin.

Để bảo đảm tính lâu dài của luật và tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành, dự thảo Luật quy định cơ chế các bộ, ngành, địa phương được đề xuất các lĩnh vực đầu tư PPP khác, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đáng lưu ý, về quy mô dự án, dự thảo Luật quy định: quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Về lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo thiết kế một chương riêng và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu 2013 để đảm bảo tính thống nhất, chỉnh thể của văn bản quy phạm pháp luật về PPP, đảm bảo tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung như phạm vi áp dụng, trình tự thực hiện dự án PPP, đảm bảo tính công khai, minh bạch việc lựa chọn nhà đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp dự án; đặc biệt là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ như cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư…

Góp ý cho dự thảo Luật, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, xã hội vẫn có nhiều cách nhìn khác nhau về dự án PPP. “Thực tế là có những định kiến không đúng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, xu hướng đầu tư”, ông Tuấn bình luận. Bản chất của dự án PPP có ý nghĩa quyết định đến việc định hình khung chính sách cho PPP – chuyên gia độc lập Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành. Hai đại biểu đề nghị coi đây là mô hình “lai”, nên cần có cách đối xử mới, không thể coi là dự án đầu tư công cũng như dự án tư thuần túy.

Trong số những vấn đề cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn phản ánh, một trong những băn khoăn lớn của nhà đầu tư là rủi ro pháp lý. “Bên cạnh rủi ro về ngoại tệ, về doanh thu, thì rủi ro do thay đổi chính sách cũng rất lớn. Luật này đã quy định các dự án PPP áp dụng theo luật này nếu như các luật chuyên ngành có quy định khác, nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì luật ban hành sau có thể phủ định luật ban hành trước, vậy nếu luật ra sau luật này (điển hình là Luật Xây dựng) có quy định khácluật này thì áp dụng văn bản nào”?

Chuyên gia VCCI cũng bày tỏ lo ngại về quy định tách một công trình hạ tầng ra thành nhiều dự án độc lập, vì trường hợp các dự án không khớp nối về tiến độ (cầu xong những đường dẫn chưa xong, nhà ga xong nhưng đường sắt chưa xong…) sẽ hạn chế hiệu quả của công trình.

Tin cùng chuyên mục