Xu thế giáo dục STEM

Đam mê khám phá
Xu thế giáo dục STEM

Với sự cạnh tranh gay gắt, thị trường lao động ở thế kỷ 21 đang đòi hỏi lực lượng lao động trẻ phải được trang bị kỹ năng thiết yếu để sống và làm việc hiệu quả. Muốn làm được điều này, chương trình giáo dục phổ thông phải đổi mới như thế nào để giúp người học có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng cần thiết vào thực tiễn?

Học sinh tham dự cuộc thi Robotics quốc tế. Ảnh: KHÁNH BÌNH

Học sinh tham dự cuộc thi Robotics quốc tế. Ảnh: KHÁNH BÌNH

Đam mê khám phá

Tham gia chương trình Robotics, nhiều học sinh ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân (quận 1 TPHCM) tỏ ra đam mê công nghệ và sáng tạo đến không ngờ. Hòa mình vào sân chơi trí tuệ, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra, các em luôn hào hứng, thể hiện ý tưởng riêng. Được thiết kế theo hướng tích hợp các kỹ năng, kiến thức của 4 môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), giáo trình Robotics đã trang bị cho học sinh tiểu học kiến thức về khoa học tự nhiên, nguyên lý cơ bản của các loại hình robot. Từ đó giúp học sinh say mê khám phá kiến thức, tiếp cận với thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ số và thực hành lắp ráp các mô hình robot, cách lập trình điều khiển. Môn học này thực sự lôi cuốn học sinh vì giúp vừa học vừa chơi, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Có thể nói thành tích đầu tiên, đoàn Việt Nam đoạt giải vô địch cuộc thi Robotics quốc tế DYA 2013, trong đó nhóm 3 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạt giải vô địch cấp độ sơ cấp và nhóm 3 học sinh của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đoạt giải nhì cấp độ trung cấp với chủ đề “Xây dựng thành phố tốt hơn để có cuộc sống tốt hơn” thật đáng nể.

Bên cạnh đó, phòng Lab tích hợp STEM bằng tiếng Anh được triển khai ở một số trường tiểu học ở Hà Nội cũng tạo cơ hội học tập, phát triển kỹ năng ở thế kỷ 21 tốt hơn cho học sinh. Sau 3 năm triển khai mô hình giáo dục tích hợp STEM do Công ty cổ phần Công nghệ DTT và Eduspec thực hiện, đã có 1.000 học sinh ở 10 trường tiểu học trên cả nước được thụ hưởng chương trình. Dự kiến, trong năm học tới chương trình này sẽ nhân rộng hơn với số lượng khoảng 3.000 học sinh tham gia.

Tuy còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng mô hình giáo dục STEM (tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) đang được các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục quan tâm và xem đây là cách chọn lọc, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới vào biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thử nghiệm STEM

So sánh với xu thế phát triển giáo dục STEM - một cách tiếp cận liên môn trong học tập, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) nhận định: “Hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam chưa gắn kết giữa kiến thức, kỹ năng của các môn học tự nhiên trong nhiều tình huống, hiện tượng đời sống như các bài toán cần giải quyết một cách thiết thực, hữu ích. Hơn nữa chương trình các môn toán, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ của ta xây dựng theo cách tiếp cận nội dung chứ chưa tích hợp liên môn, xuyên môn và xem nhẹ yêu cầu thực hành, ứng dụng…”.

Do môn học tách rời, tính độc lập cao nên học sinh chưa được trang bị kỹ năng tối thiểu về lĩnh vực STEM. Chính vì thế, PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng giáo dục STEM với những ưu điểm cần được chú ý nghiên cứu, áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, để vận dụng giáo dục STEM trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 theo nghị quyết đổi mới giáo dục của Đảng thì nên mạnh dạn biên soạn, thử nghiệm mô hình giáo dục STEM ở một số trường trung học thực hành của các ĐH Sư phạm và không dạy tách rời các môn học (toán, công nghệ/tin học, kỹ thuật, khoa học tự nhiên) mà cần tích hợp và gắn với thực tiễn đời sống.

Tại hội thảo “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông của một số nước và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam” do Sở GD-ĐT TPHCM và Công ty DTT tổ chức mới đây, một số cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường cũng ủng hộ tinh thần tích hợp môn học theo xu thế của giáo dục STEM. Tuy nhiên, ngoài cái khó đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với yêu cầu đột phá thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên có năng lực dạy tích hợp, liên môn, xuyên môn phải được đầu tư bài bản, đảm bảo chất lượng.

Nhìn lại thực tế cho thấy, sản phẩm giáo dục - đào tạo của các trường từ phổ thông đến cao đẳng, đại học không sát yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu ở thế kỷ 21. Phần đông học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng thiết yếu về ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội. Không những thế, người lao động còn thiếu tính chủ động, sáng tạo, hạn chế về khả năng vận dụng kiến thức vào công việc, đời sống và khó thích ứng với biến đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như đòi hỏi kỹ năng cao của thị trường lao động.

Chính vì thế, đổi mới giáo dục phải thực chất, đừng nhồi nhét quá nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế mà phải chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng tối thiểu cho người học để họ biết vận dụng linh hoạt, làm việc hiệu quả và thích ứng nhanh với biến đổi của thị trường lao động ở thế kỷ 21.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục