Xúc cảm mạnh mẽ từ vở múa Mùa xuân thiêng liêng

Tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2019, tác phẩm múa đương đại Mùa xuân thiêng liêng do các nghệ sĩ múa tài năng của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) trình diễn đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Tác phẩm múa đương đại Mùa xuân thiêng liêng
Tác phẩm múa đương đại Mùa xuân thiêng liêng

Để tác phẩm lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống văn hóa - nghệ thuật TPHCM, HBSO sẽ tái diễn vở múa vào tối 14-9 tại Nhà hát Thành phố.

Mùa xuân thiêng liêng (The Rite of Spring) ra mắt vào năm 1913 với phần âm nhạc do nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Igor Stravinsky sáng tác; biên đạo múa Vaslav Nijinsky dàn dựng. Cả phần âm nhạc và múa của tác phẩm đều có những phá cách mạnh mẽ, tạo nên phản ứng dữ dội của công chúng lúc đó. Tác phẩm được giới chuyên môn và khán giả đánh giá là quá bạo liệt, điên rồ. Ở phần múa, với những nghi thức cổ xưa về sự khai sinh mùa xuân, nhân vật nữ được hiến tế, đã nhảy múa cho tới lúc chết. Về sau, khi nghệ thuật của Stravinsky được ghi nhận, vở diễn này đã trở thành một trong những tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc thế kỷ 20 và 21. Tác phẩm được cảm nhận như một bức tranh âm nhạc đặc sắc, lôi cuốn người xem không thể rời mắt từ khi mở màn đến kết thúc. Tính đến nay, đã có hàng trăm phiên bản múa khác nhau trên tác phẩm âm nhạc Mùa xuân thiêng liêng của Stravinsky.

Vở múa đương đại Mùa xuân thiêng liêng biểu diễn tại TPHCM do biên đạo Joost Vrouenraets dàn dựng, chuyển tải đến người xem những ý tưởng sâu sắc, lấy cảm hứng về một thế hệ mới đang vật lộn trong một thời đại có cả sự hấp dẫn và nguy hiểm của bạo lực, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… Trên sân khấu là một số ngôi nhà lớn, nhỏ màu xanh, chống lại sự xâm chiếm của phần sân khấu tối tăm. Những ngôi nhà màu xanh lá cây này được điều khiển bởi các vũ công, họ leo lên, đẩy, xoay, kéo chúng ra và xếp chúng lại tạo nên những hình tượng ẩn dụ. Biên đạo Joost Vrouenraets đã khéo léo sử dụng các đạo cụ sân khấu để tạo sự tương tác giữa các vũ công và những ngôi nhà, như vừa nuôi dưỡng, vừa giam cầm họ... Đặc biệt, trong phần cuối của tác phẩm, khán giả sẽ cùng dõi theo một con rối que, nhỏ, đậm sắc vàng, kỳ lạ, cùng trình diễn với các diễn viên múa HBSO. Một màn biểu diễn tạo ấn tượng sâu sắc, chuyển tải nội dung về sự tự do trong tư tưởng, tính cách.

Tin cùng chuyên mục