Xúc tiến bán lẻ hàng Việt ra nước ngoài

Năm 2017, UBND TPHCM giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư  TPHCM (ITPC) nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động giữ vững thị trường nội địa và tiến đến thúc đẩy xuất khẩu. 
Hàng Việt ngày càng được nâng cao chất lượng để giữ thị phần nội địa và hướng đến xuất khẩu
Hàng Việt ngày càng được nâng cao chất lượng để giữ thị phần nội địa và hướng đến xuất khẩu
Để đồng hành cùng doanh nghiệp hội nhập tốt thị trường thương mại tự do, ITPC mà cụ thể là Câu lạc bộ Xuất khẩu TPHCM (VEXA) đang dần trở thành tổ chức chuyên nghiệp, uy tín hỗ trợ đáng tin cậy của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam.

Đầu mối kết nối

Trong thời gian gần đây, VEXA đang triển khai nhiều chương trình hành động, nhằm trở thành đầu mối kết nối và hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu các hệ thống bán lẻ của tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ nước ngoài. Từ đó, từng bước tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu sản phẩm, xúc tiến bán lẻ hàng hóa ra nước ngoài thông qua chuỗi siêu thị. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà phân phối với đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn, an toàn; đưa sản phẩm xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến người tiêu dùng. 

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết: “Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, trước tiên phải làm chủ được thị trường nội địa và đi vào kênh phân phối hiện đại theo hướng hiệu quả. Đặc biệt, tại TPHCM có nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ nước ngoài và nếu hàng hóa Việt Nam vào được hệ thống siêu thị của các tập đoàn AEON, LOTTE Mart, Big C... sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Theo đó, ITPC cam kết sẽ nỗ lực làm tốt vai trò đầu mối kết nối và hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu đặt ra”. 

Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, một số chuyên gia cho rằng, cần định hướng xây dựng đội ngũ doanh nghiệp mạnh và chất lượng của TPHCM. Bên cạnh đó, hàng hóa của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung xuất khẩu ra nước ngoài sẽ tiến đến được tổ chức theo ngành hàng, tiêu chuẩn chất lượng... nhằm tạo hành lang hỗ trợ doanh nghiệp. Những giải pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng hiện nay là doanh nghiệp mạnh ai nấy xuất khẩu, bán phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh... không chỉ gây thiệt hại cho chính công ty mình mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu ngành hàng và quốc gia. 

Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp Việt - Nhật, cho hay: AEON là tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản, đưa được hàng hóa vào đây thì sản phẩm Việt Nam sẽ được bảo chứng về tiêu chuẩn chất lượng. Nếu từ Tập đoàn AEON, hàng hóa Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản, cũng sẽ dễ dàng đến được các thị trường khó tính khác. Đồng thời, hàng hóa Việt Nam sẽ được xuất khẩu và bán lẻ trực tiếp tại các kênh phân phối hiện đại, không phải qua nhiều khâu trung gian, nâng cao được năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế.

Riêng về phía doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh nội địa, cần liên kết để đảm bảo số lượng và chất lượng, cũng như giữ vững thị trường nội địa và chiếm lĩnh thị phần tại các kênh phân phối hiện đại trong nước. Đây là bước tiếp cận đầu tiên để quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài qua hệ thống siêu thị của các tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.

Cần giải pháp đồng hành 

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Trong năm 2017, có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ có hiệu lực thực thi. Trước tình hình này, VEXA tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức hội nhập, như tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác, kết nối xuất khẩu; đẩy mạnh quảng bá, trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại và đầu tư; chú trọng huấn luyện đào tạo nghiên cứu thị trường, kỹ năng xuất nhập khẩu...

Đánh giá về những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ITPC nói chung và VEXA nói riêng, đại diện Saigon Co.op cho rằng, hoạt động của VEXA đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo cơ sở để giữ vững tại thị phần trong nước. Bởi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng hóa ngoại nhập ngày càng có lợi thế cạnh tranh với hàng nội cả về chất lượng, giá cả. Do vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng hàng Việt xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nâng cao chính sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước; góp phần chiếm lĩnh và giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa. Saigon Co.op cũng cho biết thêm, đơn vị này đã tiếp cận các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng sản phẩm đầu vào cung ứng tại các hệ thống siêu thị Co.opmart. Theo đó, doanh nghiệp nội khi cung ứng hàng vào hệ thống Co.opmart, tùy theo những mặt hàng khác nhau sẽ có các tiêu chí chất lượng khác nhau. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa được thắt chặt từ khâu sản xuất, lưu trữ và phân phối đến tay người tiêu dùng. Quy trình kiểm tra này sẽ ngày càng siết chặt hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Do vậy, doanh nghiệp cần phải đổi mới cách thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững tại thị trường nội lẫn thị trường ngoại. 

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Tân Quang Minh, góp ý: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong những tháng cuối năm 2017, VEXA nên tập trung sâu hơn nữa vào các nhu cầu mà phần đông doanh nghiệp quan tâm và cần hỗ trợ. Cụ thể là những giải pháp giữ vững thị trường nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các FTA; cần chuẩn bị để khai thác lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang có hiệu lực, sắp có hiệu lực trong thời gian tới”.

Tin cùng chuyên mục