Xúc tiến thương mại xuyên biên giới

Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh các nỗ lực để loại bỏ những rào cản xuyên biên giới về thương mại giữa Thái Lan và Malaysia khi Bộ Thương mại tổ chức nhiều sự kiện kết nối kinh doanh cho các doanh nhân của hai nước.

Khu vực biên giới Thái Lan - Malaysia từ lâu luôn được tăng cường an ninh vì các nhóm ly khai miền Nam Thái Lan thực hiện hàng loạt các cuộc bạo động sau đó trốn sang Malaysia. Năm 2001, hai nước đã đồng ý xây dựng một bức tường dọc biên giới, nằm ngay bên trong lãnh thổ Thái Lan. Bức tường biên giới mới cao 2,5m với nửa dưới là bê tông, phía trên là hàng rào thép. Lý do được đưa ra cho việc xây dựng bức tường là để hạn chế buôn lậu. Ngoài ra, những lo ngại về an ninh phát sinh từ các nhóm ly khai ở Nam Thái Lan cũng là một động lực cho việc xây dựng bức tường này.

Tuy nhiên, điều này lại gây ách tắc giao thương giữa hai nước thành viên ASEAN này. Theo báo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh các nỗ lực để loại bỏ những rào cản xuyên biên giới về thương mại giữa Thái Lan và Malaysia khi Bộ Thương mại tổ chức nhiều sự kiện kết nối kinh doanh cho các doanh nhân của hai nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đầu tháng 9 đã có cuộc gặp với đại diện của khu vực kinh tế tư nhân, thảo luận về các biện pháp đối phó với những trở ngại đối với thương mại biên giới Thái Lan - Malaysia tại huyện Sadao của tỉnh Songkhla. Chính phủ và Bộ Thương mại Thái Lan coi thúc đẩy thương mại biên giới đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện nền kinh tế và tạo thêm việc làm ở miền Nam nước này.

Năm 2018, kim ngạch thương mại Thái Lan - Malaysia đạt hơn 803 tỷ baht (hơn 26,23 tỷ USD), và trong nửa đầu năm nay, ở mức 387 tỷ baht. Thương mại biên giới giữa hai nước chiếm 70% tổng kim ngạch thương mại. Năm 2018, thương mại biên giới song phương ước tính đạt hơn 568 tỷ baht và trong nửa đầu năm nay đạt 271 tỷ baht. Thái Lan hiện có 9 trạm kiểm soát hải quan dọc biên giới phía Nam với Malaysia, với trạm Sadao có giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cao nhất. Điểm kiểm tra hải quan Sadao được các cơ quan chức năng xem là một cửa ngõ kinh tế chiến lược, đang cung cấp hiệu quả các dịch vụ xuất nhập khẩu và tiếp tục mở rộng.

Ông Jurin cũng dẫn đầu các quan chức kiểm tra tiến độ trạm kiểm soát hải quan và nhập cảnh dừng 1 giây ở quận Sadao để giúp tháo gỡ ùn tắc. Một giải pháp được đưa ra là tăng gấp đôi số lượng nhân viên quản lý nhập cảnh và mở rộng đường tại trạm kiểm soát từ 4 lên 6 làn xe.

Theo ông Jurin,  mặc dù Thái Lan và Malaysia đã đồng ý mở trạm kiểm soát hoạt động 24 giờ/ngày, thử nghiệm trong 1 năm để giảm ùn tắc, xuất khẩu thực phẩm Thái Lan sang Malaysia vẫn chậm vì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không có cán bộ làm việc ngoài giờ tại trạm kiểm soát. Hai nước đang chuẩn bị đưa vào hoạt động trạm kiểm soát thứ hai ở Sadao, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Malaysia là đối tác lớn nhất của Thái Lan đối với thương mại biên giới, tiếp theo là Myanmar, Lào và Campuchia, trong khi Trung Quốc là đối tác lớn nhất về thương mại hàng hóa quá cảnh, tiếp theo là Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, theo các quan chức Thái Lan, thương mại biên giới trong tháng 5 và tháng 6 chịu ảnh hưởng tiêu cực do giá trị đồng baht tăng từ kết quả của suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến tranh thương mại. Trong đó, xuất khẩu cao su và các sản phẩm cao su sang Malaysia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thương mại biên giới với Lào và Myanmar bị chậm lại. 

Tin cùng chuyên mục