M&A - Thách thức và cơ hội

Thời gian vừa qua, thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các tỷ phú của Thái đã xây dựng, mua lại hoặc có cổ phần đáng kể tại rất nhiều doanh nghiệp lớn. Một số tên tiêu biểu có thể kể đến như C.P Việt Nam, Red Bull, Nhựa Bình Minh và những cái tên mới nhất như Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim được nhắc đến nhiều thời gian gần đây khi liên tục công bố một thương vụ sáp nhập mới.

Với việc sáp nhập xảy ra liên tiếp đã tạo thành một làn sóng thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước dẫn đến một mối quan ngại và nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có lẽ trong tương lai sẽ không còn nhiều thương hiệu gốc Việt do người Việt nắm giữ. Đồng thời, hàng Thái sẽ tràn ngập các siêu thị do người Thái nắm quyền kiểm soát và khi đó hàng Việt sẽ khó cạnh tranh, gây khó khăn cho nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn một khía cạnh nào đó thì đây là một quy luật tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế, nhà nước cũng không thể dùng các biện pháp hành chính để can thiệp. Các doanh nghiệp Việt cũng như nền sản xuất trong nước buộc phải chấp nhận quy luật cạnh tranh khốc liệt, từ đó có những giải pháp cần thiết để thay đổi cho phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

Việc những nhà đầu tư của Thái Lan thường lựa chọn cách thức liên doanh để góp vốn và tạo ảnh hưởng lên thị trường được xem là một xu thế tất yếu trong quá trình gia nhập và hội nhập thị trường quốc tế, thay vì phải xây dựng thương hiệu từ đầu. Các nhà đầu tư này chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để mua những thương hiệu có sẵn. Bởi lẽ, việc mở rộng thị trường là mục đích mà các doanh nghiệp đều mong muốn hướng đến không chỉ các doanh nghiệp Thái mà đó là xu hướng phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn của các nước khác. Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam trở thành một thị trường lẻ đầy tiềm năng, thông qua những kế hoạch M&A tốn kém hàng triệu USD, doanh nghiệp Thái, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất phân phối, tạo dựng được vị thế đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, thay vì phải sợ hãi chúng ta tìm ra những nguyên nhân để giúp các doanh nghiệp trong nước nắm được quy luật kinh tế trước khi thực hiện các thương vụ M&A. Mọi hoạt động M&A đều có lý do của nó. Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp Việt hình thành từ những cơ sở sản xuất nhỏ, chưa chuẩn bị đầy đủ những phương tiện và công cụ quản lý đến khi có quy mô lớn thì thách thức trong công tác quản lý ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, không còn khả năng đứng vững thị trường, buộc phải bán đi để bảo toàn thương hiệu để tiếp tục duy trì doanh nghiệp. Thứ hai, đây chính là hệ quả của xu hướng hội nhập với việc hợp tác mở rộng môi trường làm ăn giữa các doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Thứ ba, chính bản thân các ông chủ doanh nghiệp khi xây dựng doanh nghiệp thành công thì chọn thời điểm thích hợp để bán giá cao lấy tiền để xây dựng những thương hiệu mới hoặc họ đi thâu tóm các doanh nghiệp khác mà họ cho rằng có tiềm năng, điển hình trong trường hợp này là Kinh Đô.

Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam bằng cách này là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho chúng ta thay đổi nền sản xuất nước nhà để hàng hóa chúng ta đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Và Người Việt dùng hàng Việt sẽ là một chương trình cần thiết trong mọi hoạt động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích của sự sáp nhập và thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam là gì, phải chăng đơn thuần chỉ là mục đích kinh tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ đối tác, mục tiêu thâu tóm trước khi thực hiện động thái sáp nhập kinh tế. Thứ hai, cần bổ sung một lực lượng lớn để tư vấn thuế, vốn hay việc sáp nhập. Liệu rằng đó có phải là giải pháp tối ưu và tốt nhất đối với tình trạng doanh nghiệp hiện nay. Thứ ba, điều quan trọng để các giải pháp có thể thực thi trên thực tế, đó là Nhà nước cần có sự siết chặt và bảo đảm cho các cơ chế được tuân thủ theo pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước cần tìm hiểu nguyên nhân của việc sáp nhập, thâu tóm và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Việc quản lý doanh nghiệp theo quy định pháp luật cũng là một giải pháp được đặt ra trong tình thế hiện nay. Đứng trước thời kỳ hội nhập với các nhà đầu tư nước ngoài là những đối thủ mạnh và có chiến lược kinh doanh vĩ mô, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần và vật chất bảo đảm nếu chấp nhận cuộc chơi này trong thời kỳ hội nhập.

NGUYỄN VIỆT KHOA
(Giám đốc Trung tâm Bussiness Law Centre)

Tin cùng chuyên mục