Nhiều chi phí không tên, doanh nghiệp gặp khó

Tại hội nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhiều DN bức xúc cho rằng đang phải chịu nhiều khoản phí không hợp lý. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm nội lực cạnh tranh của DN nội so với DN các nước đang đổ mạnh đầu tư tại Việt Nam, cũng như các DN của các nước cùng là thành viên hiệp định thương mại với Việt Nam.
Nhiều chi phí không tên, doanh nghiệp gặp khó

Tại hội nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhiều DN bức xúc cho rằng đang phải chịu nhiều khoản phí không hợp lý. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm nội lực cạnh tranh của DN nội so với DN các nước đang đổ mạnh đầu tư tại Việt Nam, cũng như các DN của các nước cùng là thành viên hiệp định thương mại với Việt Nam.

Yếu cạnh tranh vì quá nhiều chi phí không tên

Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu lớn nhất của DN Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh cho biết, gần như 100% nguyên liệu sản xuất của đơn vị đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc so với những nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Nhật Bản… rẻ hơn 20% - 30%. Do đó, nếu chuyển vùng địa lý nhập khẩu nguyên liệu thì những lợi thế từ các hiệp định thương mại mang lại chưa đủ. Tương tự, với ngành dệt may - một trong những ngành trọng yếu phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng có đến 80% nguyên liệu sản xuất là nhập khẩu.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư những nhà máy sản xuất sợi tại Việt Nam, nhưng sản lượng sản phẩm sản xuất không được chia sẻ cho các đơn vị nội địa. Do vậy, với tỷ lệ nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay thì hiệp định thương mại là thách thức đối với các DN Việt, chứ không phải là lợi thế.

Doanh nghiệp dệt may trong nước đã sẵn sàng cho TPP và giảm chi phí sản xuất (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều DN chia sẻ là những chi phí kiểm định chuyên ngành và chi phí không tên tại Việt Nam quá lớn. Hầu hết 100% lô hàng nhập khẩu nguyên liệu đều phải bị kiểm định chuyên ngành, bất chấp DN đó thuộc phân luồng xanh, vàng hay đỏ. Điều này gây lãng phí xã hội do DN phải tốn chi phí kiểm định, lưu kho bãi. Đặc biệt, thời gian thông quan kéo dài làm hạn chế cơ hội cho DN Việt Nam tiếp nhận những đơn hàng ngắn ngày, thời vụ. Ngoài ra, giữa các nhà cung cấp và DN sản xuất sản phẩm đầu cuối Việt Nam thường nằm rải rác, địa lý cách xa nhau. Do đó, tiêu tốn rất nhiều chi phí vận chuyển, nhất là những chi phí không tên.

Một quan ngại khác là rất ít DN hiểu hết những lợi thế cũng như những thách thức mà các hiệp định thương mại mang lại. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ có 9% DN Việt Nam biết rõ những nội dung của hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Số còn lại không biết hoặc biết rất mơ hồ. Lý giải vấn đề này, nhiều DN cho rằng những hiệp định thương mại không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; một số ít có tâm lý làm tới đâu hay tới đó. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh DN nước ngoài đang ồ ạt đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam.

Hiệp định thương mại đang tạo lợi thế cho DN… ngoại

Đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM cho biết, chỉ tính riêng Thái Lan, đang có 2.000 DN đăng ký tại Tổng Lãnh sự quán được vào đầu tư tại Việt Nam. Chiến lược của các DN Thái Lan cũng được định rõ là tập trung vào chế biến thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa các loại, điện máy và hệ thống phân phối. Với các DN Nhật Bản, nếu từ trước năm 2015, các DN tập trung đầu tư sản phẩm hỗ trợ, thì đến năm 2016 trở đi tập trung đầu tư các ngành dịch vụ. Điều này chắc chắn sẽ gây khó cho nhà cung ứng của Việt Nam. Riêng DN Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan… tập trung mạnh đầu tư vào ngành dệt sợi, nhuộm…

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO, nhấn mạnh, trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết luôn có những chương hoặc điều khoản ưu đãi riêng đối với ngành dệt may, da giày. Đây được xem là điều khoản mấu chốt phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được lợi thế này, DN dệt may phải đảm bảo những quy tắc xuất xứ từ sợi. Đảm bảo được quy tắc này cũng đồng nghĩa DN đã xóa bỏ được những rào cản thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là những thị trường vốn đang trọng tâm của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Và các DN ngoại đang tận dụng tối đa lợi thế này, với việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nhà máy dệt sợi tại Việt Nam.

Sự ồ ạt đầu tư của các DN ngoại đặt DN Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh hết sức khốc liệt cả trên thị trường thế giới lẫn trong nước. Trong thời gian tới, sẽ có những xáo trộn xã hội nhất định. Sẽ có nhiều DN bị phá sản hoặc chuyển thành những đơn vị gia công sản xuất cho những đơn vị lớn hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức độ xáo trộn xã hội nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào tính tự lực của DN và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng để tăng nội lực cho DN Việt, các cơ quan chức năng cần phải làm tốt hơn nữa quy hoạch vùng theo hướng tập trung cho từng ngành nghề, để tiết giảm chi phí quản lý vốn đang cao hơn các nước trong khu vực từ 20% - 30%. Kế đến, áp dụng mạnh công nghệ thông tin trong quản lý hành chính để giảm chi phí xã hội cho DN. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ vốn cần triển khai hiệu quả hơn, tránh tình trạng Chính phủ đưa ra những chính sách hay, nhưng địa phương thì không triển khai được.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục