Kim ngạch xuất khẩu da giày của doanh nghiệp nội sụt giảm

Bất cập trong chính sách ưu đãi DN nội và ngoại
Kim ngạch xuất khẩu da giày của doanh nghiệp nội sụt giảm

Việt Nam hiện nằm trong tốp 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá (chỉ sau Trung Quốc và Italia). Tăng trưởng bình quân của ngành đạt 9,7%/năm. Thế nhưng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là trong cơ cấu tổng kim ngạch xuất khẩu, có đến hơn 80% là thuộc về doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều đáng nói là tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu DN FDI và giảm tỷ trọng xuất khẩu DN nội.

DN FDI chiếm áp đảo tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu

Thống kê từ Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho thấy, ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, hiện chiếm 8% - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu da giày qua các năm luôn tăng cao. Cụ thể, năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, nhưng đến năm 2014 đạt 12,85 tỷ USD và năm 2015 đạt 14,88 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng giày dép đạt trên 12 tỷ USD; mặt hàng vali, túi xách, nón, ô dù đạt gần 2,9 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch ước đạt 7,94 tỷ USD (giày dép đạt trên 6,34 tỷ USD; mặt hàng vali, túi xách, nón, ô dù đạt 1,6 tỷ USD).

Sản xuất da giày tại một doanh nghiệp trong nước Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, nếu nhìn cơ cấu xuất khẩu theo khối DN sẽ thấy đang có sự đuối sức của DN Việt. Nếu xét trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015, DN FDI chiếm tỷ trọng 78,6%, DN trong nước chỉ chiếm 21,4%. Thế nhưng, chỉ tính đến tháng 6-2016, cơ cấu trên đã thay đổi đáng kể, DN FDI chiếm tỷ trọng 81,3%, DN trong nước chỉ còn 18,7%. Nhận định khác từ các DN trong Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam còn cho rằng cơ cấu trên sẽ tiếp tục thay đổi nhanh trong thời gian tới. Và nếu DN trong nước không trụ nổi ở mức đảm bảo cơ cấu xuất khẩu giữ ở mức 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì nguy cơ khai tử DN trong ngành là rất có thể xảy ra.

Bất cập trong chính sách ưu đãi DN nội và ngoại

Nhận định được nguy cơ của ngành nhưng cách nào để cải thiện lại không dễ. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, cho rằng bên cạnh những yếu tố khách quan (như: Myanmar, Campuchia đang nổi lên là điểm sản xuất những sản phẩm cơ bản dệt may, da giày; Liên minh châu Âu đơn phương đưa các tiêu chuẩn danh mục hóa chất cấm khắt khe hơn so với tiêu chuẩn hiện tại và những biến động chính trị trong thời gian gần đây…) thì rất nhiều trở ngại trong nước liên quan đến hoạt động của ngành chưa được tháo gỡ.

Điển hình nhất là vấn đề nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất. Phần lớn nguyên liệu sản xuất của DN trong nước phải phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu da thuộc đạt 644 triệu USD, chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Thái Lan, Brazil và Ấn Độ. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) được ký kết, thuế xuất khẩu da giày từ Việt Nam vào EU sẽ giảm từ mức 12,4% hiện nay về 0%. Các mặt hàng túi xách, vali sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi FTA có hiệu lực. Đối với mặt hàng giày dép, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Tương tự, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều mặt hàng giày dép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được giảm thuế từ 13% - 14% xuống 0%. Tuy nhiên, DN muốn hưởng lợi từ việc tham gia FTA thì tất cả những nguyên phụ liệu đều phải sản xuất trong nước hoặc trong khối.

Vấn đề đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành da giày đã được xem là trọng tâm sống còn của ngành. Thế nhưng, DN trong nước rất khó để được các tỉnh, thành cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy. Lý do mà các địa phương đưa ra là ngành nghề này nhạy cảm với môi trường. Trong khi đó, ngược lại với thái độ đối xử với các DN trong nước, các DN FDI lại không bị từ chối cho phép đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành da giày và túi xách. DN FDI có tiềm lực mạnh mẽ để đầu tư những nhà máy lớn, lại được phép đầu từ khâu cung cấp nguyên phụ liệu đến khâu sản xuất để tận dụng lợi thế từ các FTA. Như vậy, làm sao DN trong nước có thể cạnh tranh lại.

Trụ lại thị trường nội cũng khó

Trước sự sụt giảm nhanh thị trường xuất khẩu do không đáp ứng tiêu chuẩn được miễn, giảm thuế suất, các vấn đề hàng rào phi thuế quan…, các DN trong nước chuyển hướng tìm kiếm thị phần tại thị trường nội địa. Thế nhưng, sự thiếu kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng cũng khiến nhiều DN gặp khó. Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 50% - 60% thị phần. Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp có nhưng ít và hiện vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Mặt khác, đại diện Công ty Giày dép Bitis bức xúc, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường nội đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, có nhiều sản phẩm kém chất lượng từ các nước lân cận nhập sang đóng giả nhãn mác hàng Việt Nam, làm suy giảm đáng kể lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội lực cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trương Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương, cho biết bộ này đã phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”. Theo đó, việc điều chỉnh lại quy hoạch ngành da giày tập trung vào việc hình thành một mạng lưới công nghiệp da giày trên phạm vi cả nước, qua đó tạo cơ hội để các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành kinh tế, dịch vụ khác cùng phát triển; tạo điều kiện phân bố hợp lý hơn về năng lực sản xuất da giày giữa các khu vực trong nước. Hình thành những tác động tích cực đến phát triển của ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy quá trình đầu tư đổi mới trang thiết bị nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa; bổ sung các đề xuất về cơ chế, giải pháp phù hợp, đồng bộ về vốn đầu tư, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực... nhằm phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở dựa vào các nguồn lực và động lực phát triển trong các giai đoạn tới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục