Nắm “luật chơi” sân ngoại để chắc thị phần xuất khẩu

Hàng Việt chất lượng vẫn đứng vững
Nắm “luật chơi” sân ngoại để chắc thị phần xuất khẩu

Hiện tổng giá trị xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2016 đạt trên 316 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 160 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với thời điểm Việt Nam gia nhập WTO năm 2006. Tuy nhiên, cùng với tốc độ gia tăng kim ngạch xuất khẩu thì những rủi ro trong giao dịch thương mại do doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không có khả năng thu hồi nợ cũng tăng cao mà nguyên nhân chính là do DN không nắm “luật chơi” địa phương.

Hàng Việt chất lượng vẫn đứng vững

Năm 2017 được đánh giá là năm mà DN Việt Nam sẽ gia tăng được kim ngạch xuất khẩu nhờ tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội thì những rủi ro trong giao dịch thương mại liên quan đến các hoạt động xuất khẩu cũng không ít.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, lợi thế từ 17 hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho DN nội, nhất là những doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường thế giới. Đặc biệt, những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản, thực phẩm, nông sản chế biến tại thị trường châu Âu hay sản phẩm may mặc vào thị trường Mỹ là ngặt nghèo nhất. Thế nhưng, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu chủ lực những sản phẩm trên tại Mỹ và châu Âu. Vị trí này chưa cần phải có thêm những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do. Vậy khi cộng thêm lợi  thế từ FTA Việt Nam - EU, hơn 90% mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng từ thuế suất 0% thì cơ hội xuất khẩu còn tăng hơn rất nhiều. Riêng tại thị trường Mỹ, những lợi thế khác ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như tăng mức thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc; các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nguồn vải phong phú giá rẻ của Trung Quốc và nhiều nước qua đường chính ngạch vào Việt Nam với thuế suất 0%... cũng đang tạo nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt Nam.

Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may Sài Gòn, cho biết, năm 2016, kế hoạch xuất khẩu của công ty đề ra đạt 1.500 tỷ đồng và cho đến nay đã đạt được. Kết quả này hoàn toàn không dựa vào lợi thế nào từ TPP mà hoàn toàn dựa trên nổ lực thích ứng thị trường của công ty. Trong năm 2017, Mỹ vẫn là thị trường chính của các DN dệt may nói chung và của công ty nói riêng. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh được đánh giá là gay gắt hơn từ những DN của các thị trường mới nổi khác là Campuchia và Myanmar. Do đó, ngay từ năm 2016, một số công ty xuất khẩu may mặc lớn đã xây dựng chiến lược đầu tư vào phân khúc hàng đòi hỏi kỹ thuật khó, cao hơn. Phân khúc hàng này vừa tận dụng được năng lực của lao động Việt Nam vừa hạn chế được khả năng cạnh tranh gay gắt trực tiếp với những DN ở các nước lân cận vốn đang có ưu thế về giá thành rẻ hơn.

Để giảm rủi ro

Phân tích về những chiến lược đầu tư và khả năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, cùng với việc tận dụng được các lợi thế cạnh tranh mà hội nhập mang lại, DN cũng cần phải am hiểu và nắm rõ “luật chơi” trong thương mại quốc tế để nhận diện được các rủi ro từ các giao dịch thương mại. Hiện tổng giá trị xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2016 đạt trên 316 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 160 tỷ USD. Như vậy so với thời điểm trước khi gia nhập WTO năm 2006 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc lên đến gần 40 tỷ USD, tăng gấp 4 lần. Thế nhưng, trung bình mỗi năm, các DN Việt không thu hồi được nợ từ giao dịch thương mại xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD. Do đó, để phòng tránh những tổn thất thương mại trên, DN phải chủ động nắm hết được luật địa phương; cần có sự thẩm định và kiểm chứng thông tin đối chặt chẽ và thường xuyên; lựa chọn gói bảo hiểm chuyên chở hàng hóa hoặc mua gói bảo hiểm phù hợp để tránh bị thiệt hại tổn thất hàng trong quá trình chuyên chở. Và trong một số trường hợp giao dịch mà DN thiếu chắc chắn, cần có sự tư vấn của các luật sư, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế xem xét các điều khoản thanh toán, hợp đồng, hóa đơn rõ ràng, xác minh kỹ các văn bản giao dịch.

Về phía các DN cho rằng, ngoài những yếu tố về pháp lý chặt chẽ trong hoạt động giao dịch thương mại thì những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời của chính phủ sẽ có vai trò rất lớn tạo động lực phát triển cho DN. Bức thiết nhất là vấn đề hỗ trợ đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn nhấn mạnh, hiện có đến 90% nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa phải nhập khẩu. Những biến động ngoại tệ, nguồn cung thiếu hụt và phụ thuộc hoàn toàn từ nhập khẩu trong thời gian qua khiến nhiều DN điêu đứng do chi phí đầu vào gia tăng không kiểm soát. Đơn cử, trong những tháng cuối năm 2016, nhiều DN nhựa phải ồ ạt nhập trữ nguyên liệu để “né thuế” nhập khẩu bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, giá ngoại tệ tăng khiến cho không ít DN thiệt đơn, thiệt kép. Các DN đối tác cũng lợi dụng tình hình găm hàng, tăng giá. Mặt khác, việc áp thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa lên 3% trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 10% nhu cầu sản xuất là chưa hợp lý khiến DN khó chồng thêm khó.

Ngoài ra, những chỉ đạo từ phía chính phủ liên quan đến đẩy mạnh quy hoạch ngành, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, áp dụng các chính sách ưu đãi để thu hút DN nội và ngoại đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu cần quyết liệt thực hiện nhanh chóng. Có như vậy mới tạo bệ đỡ chắc cho DN đẩy mạnh đưa hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường thế giới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục