Xuất khẩu còn nhiều hạn chế

Mặc dù năm qua, xuất khẩu (XK) hàng hóa trong nước có nhiều điểm sáng, song không đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết sản phẩm XK vẫn thuần gia công hoặc xuất thô với giá trị gia tăng thấp.
Xuất khẩu còn nhiều hạn chế

Mặc dù năm qua, xuất khẩu (XK) hàng hóa trong nước có nhiều điểm sáng, song không đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết sản phẩm XK vẫn thuần gia công hoặc xuất thô với giá trị gia tăng thấp.

Phụ thuộc FDI

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, dự kiến kim ngạch XK cả năm 2016 ước đạt 176 tỷ USD và nhập khẩu (NK) ước đạt 174 tỷ USD. Về cơ bản, cơ cấu XK vẫn đang duy trì theo tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại 5% là thuộc về các sản phẩm nông sản, 5% thuộc về nhóm nhiên liệu, khoáng sản.

Đáng chú ý, năm qua một số mặt hàng XK đã có những cú “lội ngược dòng” bứt phá ngoạn mục với nhiều điểm sáng. Đơn cử, XK rau quả lần đầu tiên vượt qua gạo nhờ hàng hóa phong phú về số lượng, chủng loại, chất lượng. Mặt khác, có sự tích cực nhập cuộc thị trường của các nhà sản xuất và nhà kinh doanh, đặc biệt là thị trường rau quả cao cấp.

Tương tự, năm 2016 cà phê cũng tăng trưởng khá ấn tượng với 25,7%. XK thủy sản cả năm 2016 cũng đã vượt khó đi lên từ năng lực đánh bắt, mở rộng diện tích nuôi trồng, cải hoán con giống. Năm qua, tôm vẫn đứng đầu bảng, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch XK thủy sản vì đã vào được 75 thị trường. Cá tra duy trì vị trí số 2. Bên cạnh đó, cá ngừ đại dương cũng đã có sự bứt phá ngoạn mục nhờ vào việc hợp tác với Nhật Bản trong các khâu như: Đánh bắt, bảo quản từ ngoài khơi, chế biến đưa thẳng sang kho hàng Nhật Bản, nâng giá trị cá ngừ lên đáng kể.

Hiện có 8 thị trường lớn nhập 88,2% lượng cá ngừ của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Canada, Mexico. XK cao su thiên nhiên đạt 1,7 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 về sản lượng và XK trên thế giới. Không chỉ nằm trong top 3, thương hiệu VietNam Rubber, còn XK 1,5 tỷ USD các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải cộng với 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su. XK điện thoại năm nay vượt lên dẫn đầu các mặt hàng XK, đạt 34,5 tỷ USD…

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn là thị trường XK lớn của Việt Nam. Năm 2016, Hoa Kỳ là khách hàng mua tôm lớn nhất, chiếm 23,4% thị phần tôm Việt Nam XK. Hai thị trường này luôn là khách hàng tiềm năng đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam.

Chế biến cao su xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Mặc dù bức tranh XK của hàng hóa nội địa năm qua có những điểm sáng, song so với mục tiêu 10% đặt ra từ đầu năm, XK năm nay đã không được như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng 8%. Trong đó, có những mặt hàng XK “thụt lùi” như dệt may, da giày, gạo... “Có thể nói, hạt gạo Việt vừa thất bát trên đất khách, đang thua tại sân nhà. Kém người Thái đi trước, có thể thua Campuchia đang bám sát”, một chuyên gia nêu thực trạng. Nhìn nhận chung toàn cảnh XK chưa đạt như kỳ vọng, Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương Phạm Tất Thắng cho rằng, ngoài tốc độ tăng trưởng XK không cao như những năm trước còn xuất hiện nhược điểm như các mối quan hệ nhập siêu vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân là Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường và thậm chí phụ thuộc vào một số doanh nghiệp (DN) như Samsung. “Do vậy, khi có hiện tượng Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 vừa qua đã ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thắng dẫn chứng.

Thay đổi tư duy

Theo ông Phạm Tất Thắng, Việt Nam hiện có đến 95% DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên việc tập trung cho công nghệ còn hạn chế. Thậm chí, nhiều DN Việt Nam làm ăn phi công nghệ, 45% DN có công nghệ trung bình thấp, chỉ 8% là có trình độ công nghệ trung bình và chỉ khoảng 2% DN có trình độ cao. Từ đó, dẫn đến nhiều ngành hàng dù là thế mạnh của Việt Nam nhưng lại XK dưới dạng thô, dẫn đến giá trị gia tăng thu về không nhiều. Cùng quan điểm, PGS-TS Phan Tố Uyên cho rằng, quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, công nghệ và quản lý còn yếu kém, sức cạnh tranh không cao là thực trạng phổ biến của các DN Việt Nam hiện nay. Trước thực trạng này, để giúp các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các DN vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh XK. Mặt khác, để XK tăng trưởng bền vững, cần tái cơ cấu lại các ngành hàng, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như phụ thuộc vào việc đóng góp của khối doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn, các bộ, ngành cần tập trung xây dựng được thương hiệu cho ngành hàng và từng mặt hàng xuất khẩu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và DN. Chính vì vậy, bằng nhiều cách, DN phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, càng hội nhập sâu, hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, thay vào đó là hàng rào phi thuế quan như biện pháp phòng vệ thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ được dựng lên. Vì thế, DN cần hiểu rõ các rào cản này đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà DN hướng tới; chuẩn bị điều kiện về thông tin, hiểu biết về pháp lý để đối mặt với những xung đột pháp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh trên thị trường. Ngoài ra, cộng đồng DN cần phải điều chỉnh lại tầm nhìn, tư duy kinh doanh và cách ứng xử của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới. DN nên sớm bỏ tư duy manh mún, chộp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường để vươn lên, tăng trưởng bền vững.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục