Xi măng tắc đầu ra

Cung vượt cầu và cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt đang khiến ngành xi măng bế tắc đầu ra. Giải pháp căn cơ trước mắt là điều chỉnh giãn, đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án, không đưa thêm dây chuyền sản xuất xi măng nào vào hoạt động trong thời gian tới; xây dung chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Xi măng tắc đầu ra

Cung vượt cầu và cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt đang khiến ngành xi măng bế tắc đầu ra. Giải pháp căn cơ trước mắt là điều chỉnh giãn, đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án, không đưa thêm dây chuyền sản xuất xi măng nào vào hoạt động trong thời gian tới; xây dung chính sách khuyến khích xuất khẩu.

Rào cản chính sách

Những năm trước, thị trường xuất khẩu được xem là giải pháp cho ngành xi măng nội địa trong bối cảnh cung luôn vượt cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, trong đó có nguyên nhân do một số chính sách điều chỉnh chưa hợp lý, gây cản trở.

Trên thực tế, giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động, trong khi thị trường xuất khẩu liên tục chịu áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng trong nước. Cụ thể, năm 2015, xuất khẩu xi măng giảm gần 20%, chỉ đạt mức 16,2 triệu tấn và năm 2016, xuất khẩu xi măng giảm tiếp khoảng 6%. Đáng chú ý, một số quy định được sửa đổi; trong đó, mặt hàng xi măng xuất khẩu không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế xuất khẩu 5% đã khiến chi phí xuất khẩu tăng 4-5 USD/tấn clinke; khoảng 7,5 USD/tấn xi măng. Việc tăng chi phí này càng khiến xi măng Việt Nam khó có cửa cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Theo thống kê, xi măng Thái Lan thâm nhập thị trường quốc tế đã lâu, có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và vận chuyển nhanh. Thái Lan có khoảng 11 nhà máy xi măng, công suất hơn 46 triệu tấn mỗi năm, thấp hơn Việt Nam, nhưng lượng xuất khẩu chiếm tới 3/4 sản lượng, khoảng 34 triệu tấn/năm, cao hơn rất nhiều so với xuất khẩu của Việt Nam. Ngay cả Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên khoáng sản, nhưng đã tham gia xuất khẩu sản phẩm xi măng liên tục từ năm 1980 đến nay với khối lượng khá lớn, trên dưới 10 triệu tấn/năm và hiện nay đang là nước cạnh tranh thắng thế so với các nước ASEAN trong việc xuất khẩu xi măng. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực ASEAN trước đây chuyên nhập khẩu xi măng cũng đang tiếp tục đầu tư phát triển xi măng như Indonesia và hiện nay dự kiến đã vươn lên xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn trong năm 2017.

Một nhà máy sản xuất xi măng tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: THÀNH TRÍ

Năm 2016 đánh dấu sự sụt giảm cả về giá cả và số lượng xuất khẩu, do vậy, nhiều quốc gia lo ngại việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế với ngành xi măng vừa làm tăng chi phí xuất khẩu, vốn đã cao hơn một số nước và có thể làm giảm sức cạnh tranh của xi măng và đây là giải pháp các nước trên thế giới không áp dụng. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung đánh giá, việc tăng chi phí xuất khẩu có khả năng đẩy áp lực xuất khẩu trở lại tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nếu phải chịu thuế xuất khẩu, cần có sự công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực, thiệt thòi cho đơn vị sản xuất xuất khẩu.

Tối ưu hóa nguồn lực

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2016 ước đạt 75,2 triệu tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ 2015; trong đó, tiêu thụ nội địa gần 60 triệu tấn, tăng 6,2%. Tuy nhiên, lượng cung vẫn vượt cầu khoảng 20% - 25%. Ông Nguyễn Quang Cung cho biết, hiện tổng công suất các nhà máy xi măng trong nước đạt trên 80 triệu tấn/năm nhưng mức tiêu thụ chỉ khoảng 75 triệu tấn/năm. Trong khi đó, 5 năm tới, công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đạt 100 triệu tấn/năm. Chỉ tính các nhà máy xi măng hiện có và đang được đầu tư đã đủ cung cấp xi măng cho thị trường tới năm 2020. 

Đại diện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tiêu thụ xi măng vẫn đang là vấn đề lớn của Vicem và các doanh nghiệp thành viên do thị trường dư thừa nguồn cung. Để cân đối cung cầu, khơi thông thị trường, Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng. Tập trung tối ưu nguồn lực, cải thiện hệ thống phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Về giải pháp tiêu thụ, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, để cân đối cung cầu thị trường xi măng, cần có sự điều hành linh hoạt từ cơ quan quản lý nhà nước. Một mặt khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu; mặt khác, không cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu. Đối với các doanh nghiệp xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng cho các chương trình công ích như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm phát triển ổn định của ngành xi măng. Bên cạnh đó, điều chỉnh giãn, đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án xi măng, dự kiến từ năm 2018, không đưa thêm dây chuyền nào vào hoạt động.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2017 còn khó khăn, trong khi đó xu hướng đầu tư vào xi măng còn tăng, do đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án phát triển vật liệu xây dựng; đồng thời, theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm cân đối cung cầu.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục