Xung quanh triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”: Gây tranh cãi vì chưa có tiền lệ

Nhiều ý kiến, mà phần đông trong đó chưa từng đặt chân đến triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, cho rằng nội dung triển lãm phi nhân tính, phi mỹ thuật và việc Sở VH-TT TPHCM cấp phép cho triển lãm là “không thể chấp nhận được”. 
Xung quanh triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”: Gây tranh cãi vì chưa có tiền lệ ảnh 1 Các mẫu vật tại triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, với những bộ phận nội tạng và xác người được nhựa hóa - lần đầu tiên diễn ra tại TPHCM, thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến, mà phần đông trong đó chưa từng đặt chân đến triển lãm, cho rằng nội dung triển lãm phi nhân tính, phi mỹ thuật và việc Sở VH-TT TPHCM cấp phép cho triển lãm là “không thể chấp nhận được”. Chiều 5-7, đại diện Bộ VH-TT-DL cũng đã có ý kiến xung quanh triển lãm trên.
Chưa có nghị định nên khó quản!
Trả lời báo chí, bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết cục từng từ chối không cấp phép triển lãm trên tại Hà Nội mà chỉ đồng ý nếu trưng bày tại các trường đại học y khoa để phục vụ công tác nghiên cứu. Khi hỏi về việc tại sao cơ quản quản lý chuyên ngành ở Trung ương đã từ chối cấp phép, sở VH-TT ở địa phương lại cấp phép, vậy thì có đúng quy định của pháp luật không, bà Trần Thị Thu Đông cho biết, hiện tại chưa có văn bản pháp luật về quản lý hoạt động triển lãm mà chỉ có quản lý hoạt động mỹ thuật và nhiếp ảnh.
“Khi đơn vị tổ chức triển lãm ở Hàn Quốc xin phép không nói là triển lãm nghệ thuật mà là triển lãm cơ thể người. Lúc đó, cục có hướng dẫn phía bạn nên xin Bộ Y tế hoặc đơn vị khác cho phù hợp”, bà Thu Đông nói.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Đông, hiện cơ quan quản lý đang xây dựng dự thảo nghị định để quản lý tốt hơn lĩnh vực triển lãm sau này. 
Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL cho biết thêm, thực tế triển lãm này đã diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau và ở bất cứ quốc gia nào, không riêng Việt Nam, đều có ý kiến khác nhau.
Trước câu hỏi, với thời gian triển lãm kéo dài đến hết ngày 31-12, trong thời gian chờ báo cáo, bộ có yêu cầu tạm dừng triển lãm này để xem xét không, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, việc cấp phép triển lãm do Sở VH-TT TPHCM thực hiện nên bộ vẫn đang chờ báo cáo để có hướng xử lý.
“Chúng ta làm quản lý nhà nước nên không thể dựa vào cảm tính cá nhân để xử lý những vụ việc cụ thể. Sau khi có báo cáo chính thức của sở, cục sẽ tham mưu cho bộ có ý kiến chính thức để trao đổi với UBND TPHCM có giải pháp, hướng khắc phục với triển lãm”, ông Nguyễn Thái Bình nói. 
Những ý kiến trái chiều
Chiều 5-7, có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên, chúng tôi ghi nhận khá nhiều ý kiến trái chiều về triển lãm này. Một số ý kiến cho rằng, triển lãm không dành cho người yếu bóng vía, khi không gian trưng bày giới thiệu hầu như đầy đủ các bộ phận cơ thể người, từ các loại xương, cơ, cơ quan nội tạng và cả những xác người nguyên vẹn được đặt theo nhiều tư thế; từng lát cơ để lộ xương hay xẻ dọc toàn thân để lộ những cấu trúc bên trong (từ não đến ruột gan).
Đáng chú ý là mẫu vật toàn thân của một phụ nữ mang thai 5 tháng, với phần bụng được mở ra để lộ thai nhi bên trong; thi thể một số phôi thai từ 1 đến 7 tuần tuổi, thai nhi từ 3 đến 9 tháng và cả trẻ sơ sinh bị dị tật trong quá trình mang thai cũng được giới thiệu. 
Chị Nguyễn Thị Hồng Sen, ngụ quận 6, TPHCM chia sẻ: “Tham quan một vòng, tôi thấy hơi sợ khi nghĩ đến những xác người thật, đặc biệt là nhìn hình ảnh các hài nhi. Tôi nghĩ, triển lãm không nên dành cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai vì sẽ ảnh hưởng tâm lý; nếu triển lãm phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu chuyên môn của ngành y thì sẽ hiệu quả hơn là việc trưng bày rộng rãi”.
Anh Đinh Minh Trung, một kỹ sư đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, cho rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi xem một triển lãm cơ thể người bằng xương, bằng thịt. Các hình mẫu người thật được tạo dáng thú vị như đạp xe, ném dĩa, đá bóng; các cơ quan trong cơ thể người được sắp đặt rất gần gũi nên tôi không thấy gì là quá ghê rợn. Xem triển lãm, tôi thấy yêu bản thân mình và yêu con người hơn. Những hình ảnh này khiến tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của sự sống, từ đó tự nhắc nhở mình và những người thân bớt đi những thói quen xấu, sống lành mạnh và sống trân trọng từng phút với cuộc sống, với xã hội hiện tại. Với người Việt, do chưa từng có triển lãm tương tự nên có thể gây sốc với một số người”. 
Trong khi đó, từ Hà Nội, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận, chưa từng xem một triển lãm nào như vậy, song với ông, việc lấy cơ thể người ra để trưng bày, triển lãm là thiếu sự nhân văn, nhân bản.
“Nghệ thuật là sự sáng tạo chứ không thể nặng tính khoa học kinh dị kiểu đó. Văn hóa Á Đông không giống văn hóa các nước phương Tây. Người ta rất xem trọng linh hồn của người chết. Không ai cho phép đưa xác người đã khuất ra mà làm trò như thế cả”, ông Trần Khánh Chương bày tỏ.
Chiều ngày 5-7, sau khi tham quan triển lãm, Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho biết: “Theo tôi, đây là một triển lãm thiên về khoa học, y học nhiều hơn. Thật lòng tôi nghĩ, ta nên cảm ơn phía Hàn Quốc và ban tổ chức vì đã cho chúng ta một kiến thức khá toàn diện về cơ thể con người. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu rất công phu, một phương tiện giáo dục hiệu quả, nhằm mục đích hướng đến việc bảo vệ sức khỏe con người. Nhưng, phương pháp thể hiện theo tôi là chưa tốt. Thay vì để xương lộ ra và những bó cơ lòng thòng, phần nào gây sợ hãi cho khán giả, với công nghệ hiện đại như hiện nay - ví như làm phim 3D chẳng hạn, hình ảnh sẽ cho thấy từng lớp cắt sâu bên trong cơ thể nhưng nhẹ nhàng hơn - thì hiệu ứng mang lại sẽ còn cao hơn. Được như thế, đây sẽ là một bộ tư liệu rất quý mà không gây cảm giác sợ cho người xem”. 
"... Triển lãm này nên phục vụ cho chuyên ngành khoa học, y khoa, hơn là triển lãm rộng rãi cho đại chúng” - họa sĩ Uyên Huy.
Theo họa sĩ Uyên Huy, về vấn đề thẩm mỹ, triển lãm không có gì là phản cảm. Ông nói: “Với sinh viên mỹ thuật, triển lãm này còn là dịp để sinh viên học về cơ thể học mỹ thuật, để vẽ cơ thể người cho đúng. Nhưng cũng cần nói thêm, triển lãm này nên phục vụ cho chuyên ngành khoa học, y khoa, hơn là triển lãm rộng rãi cho đại chúng”. 
Trước đó, trả lời báo chí, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “Sở VH-TT TPHCM cấp phép triển lãm này bởi nội dung triển lãm có ý nghĩa tốt, mang tính giáo dục về con người, không có gì quá ghê rợn. Nó mang tính cảnh báo cho nhiều người biết”.
Còn về phía đại diện Công ty Mega Vina, khẳng định các thi thể được dùng làm mẫu vật khi trưng bày tại triển lãm đều nhận được đồng ý của thân nhân.
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of human body) do Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM tổ chức, diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 21-6 đến 31-12, giá vé 200.000 đồng/người. 
Ông Nguyễn Thái Bình, phát ngôn viên Bộ VH-TT-DL, cho biết cơ quan quản lý vẫn đang chờ báo cáo của Sở VH-TT TPHCM xung quanh việc cấp phép đối với triển lãm này. Hạn chót để sở báo cáo là ngày 10-7. Hôm nay 6-7, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành sẽ có mặt tại TPHCM để kiểm tra độc lập và có báo cáo với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL về triển lãm này. 

Tin cùng chuyên mục