Xuyên tết vì người bệnh

Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Nhưng với các y bác sĩ ở các bệnh viện khắp cả nước, họ lại phải túc trực vì thời điểm này bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh bất ngờ. Đêm giao thừa, mùng 1 hay mùng 2 tết, các y bác sĩ vẫn phải lao vào cuộc chiến cam go cứu bệnh nhân.

Chuông reo là chạy cấp cứu

Hơn 17 giờ 30 mùng 2 tết, điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM vang lên. Giọng ở đầu dây bên kia hốt hoảng: “Cha tôi hơn 80 tuổi, hôn mê, nhà ở đường Bình Đông, phường 14, quận 8. Cách 15 phút trước khi gọi cấp cứu, cha đột ngột co giật toàn thân, mất ý thức; sau co giật thì nôn ra thức ăn”. Ngay lập tức, ê kíp gồm 2 điều dưỡng là Hoàng Thi Thơ, Châu Ngọc Thạch cùng bác sĩ Lê Bá Phước Nguyên nhanh chóng xách valy thuốc, thiết bị, khẩn trương chạy ra xe cấp cứu. Tiếng còi rền rĩ xé không gian trên đường đi. Nhóm cấp cứu tới, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục co giật. Bác sĩ tiến hành sơ cứu, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch, nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất theo yêu cầu người nhà.

“Bệnh nhân bị xuất huyết não, động kinh, tăng huyết áp, teo não... May mắn là cấp cứu kịp thời, chuyển vào viện. Với gia đình họ, ngày tết coi như hết nhưng so với nhiều ca cấp cứu khác trong khuya 30, mùng 1 tết vẫn còn may mắn”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Xuyên tết vì người bệnh ảnh 1 Các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM tích cực cấp cứu  bệnh nhân trong ngày tết
Xe cấp cứu đưa ê kíp trở về trung tâm thì liên tiếp các xe khác lại chuyển bánh. Có những ê kíp y bác sĩ vừa xử lý xong ca này lại hối hả quay đầu xe chạy đến ca khác. Ca trực mùng 2 tết của Trung tâm Cấp cứu 115 tổng cộng có 77 cuộc gọi, chuyển trạm vệ tinh 53 trường hợp, 20 xe cấp cứu được xuất đi. Trước đó, trong ngày mùng 1, có 65 cuộc gọi, 27 xe được xuất đi đã cứu kịp thời 23 bệnh nhân. Ngày 29 tết có 77 cuộc gọi cấp cứu, chuyển 28 ca cho trạm vệ tinh, xuất hơn 20 xe.
Bác sĩ Trang Thị Hồng Phượng cho biết: “Ngày thường, người ta chỉ gọi cấp cứu với những bệnh thông thường như tăng huyết áp, tiêu chảy... nhưng từ 30 đến mùng 3 tết, đa phần là những ca tai nạn giao thông đa chấn thương, hôn mê, té ngã, bị ngạt nước, ngưng tim ngưng thở... rất nguy cấp. Do đó, áp lực sẽ nhiều hơn ngày thường. Khi nghe điện thoại, các y bác sĩ biết phải chuẩn bị sẵn mọi thứ trong đầu, đối mặt với lằn ranh sinh tử”.

Bác sĩ Phượng có 5 năm làm việc tại trung tâm thì có đến 4 năm trực tết. Các điều dưỡng khác cũng vậy, hầu như tết nào cũng túc trực cấp cứu. Và họ rất hiểu, khi đã bấm số 115, mọi hy vọng của người bệnh, thân nhân đều trút vào đó. Trong căn phòng điều hành Trung tâm 115, ánh điện chưa bao giờ tắt, chuông vẫn reo dồn dập, không khí luôn khẩn trương trong tư thế sẵn sàng nghe tiếng chuông báo là họ đi, bất kể ngày đêm.

“Hàng ngày, chúng tôi liên tục xoay tua công việc. Hiện có 4 tua điều dưỡng gồm 12 người, 5 tua bác sĩ gồm 3 bác sĩ và 3 y sĩ làm việc mỗi ngày. Có bữa, đang ăn dở bữa cơm tối tại trung tâm, nghe chuông gọi cấp cứu, phải quăng chén dĩa để chạy đi cho kịp giờ vàng cấp cứu. Mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy đó...”, bác sĩ Phượng kể.

Hết lòng vì bệnh nhân


0 giờ đêm giao thừa, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tục có bệnh nhân đưa vào. Tiếng rên la đau đớn ồn ào khắp phòng. 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng kiên nhẫn nhận bệnh, làm việc không ngừng nghỉ. 1 giờ khuya, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện, hơn 25 bệnh nhân rất nặng được kíp trực 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng tận tâm chăm sóc. Đây là khoa mà bệnh nhân được ưu tiên chăm sóc đặc biệt và người nhà bệnh nhân không được vào. Điều đó đồng nghĩa với công việc ở đây áp lực rất lớn. Các điều dưỡng đảm trách chăm sóc trực tiếp như tiêm thuốc theo y lệnh bác sĩ, xoay trở bệnh nhân, hút đàm, vệ sinh...

Bác sĩ Đào Huy Toàn cho hay: “Hầu như bác sĩ lẫn các điều dưỡng năm nào cũng trực tết, choàng gánh công việc cho nhau. Bệnh nhân ở đây được cách ly tách biệt với bên ngoài, nhiều người hoàn toàn không biết gì. Chúng tôi bước vào khoa làm việc, cũng đã gác tết lại bên ngoài cánh cửa”.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định tận tình đồng hành cùng bệnh nhân
Tại Khoa Ngoại tiêu hóa, 2 giờ sáng, thân nhân người nhà hốt hoảng chạy lại gọi bác sĩ Ngô Quang Duy, lúc đó đang xem bệnh án, đến khám cho mẹ mình. Khẩn trương đến giường bệnh, bác sĩ Duy khám bệnh kỹ càng cũng như tư vấn rõ về trường hợp bệnh.
“Đây là bệnh nhân bị u đại tràng mới nhập viện hôm 28 tết. Giờ người bệnh đau quá, người thân muốn mổ. Tôi đã khám, cho thuốc và tư vấn khá kỹ tình hình bệnh. Trường hợp này phải để bệnh nhân đủ sức khỏe mới có thể tiến hành phẫu thuật được”, bác sĩ Duy cho biết. Trước đó, trong ngày 30 tết, bác sĩ Duy đã phụ trách phẫu thuật 3 ca. 12 năm làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Duy có đến 6 - 7 năm trực ca đêm giao thừa như thế này.
Bác sĩ Ngô Quang Duy (phải) cùng các đồng nghiệp trực đêm giao thừa tại bệnh viện

BS.CK II Lưu Hiếu Thảo, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, phụ trách chính trực tết bệnh viện đêm giao thừa, cho biết từ trước tết, công tác bố trí trực tết đã được ban lãnh đạo bệnh viện triển khai cụ thể đến các khoa, phòng, nhất là các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, tim mạch, thần kinh...

“Khoa Cấp cứu là nơi đón nhận bệnh nhân đông nhất trong dịp tết. Để đảm bảo khối lượng công việc, bệnh viện chủ động lên kế hoạch tăng cường nhân lực, bố trí đội ngũ cán bộ túc trực 24/24 giờ; bố trí đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng mọi yêu cầu khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Chúng tôi cũng rà soát bệnh án, kiểm tra từng trường hợp bệnh nhân. Năm nay, ngoài hơn 100 bệnh nhân đã đỡ, xin được về nhà trước tết thì vẫn còn khoảng 500 bệnh nhân phải đón tết trong bệnh viện. Chưa kể, trong mấy ngày tết, bệnh viện lại tiếp nhận hàng trăm ca nhập viện vì tai nạn giao thông, hôn mê, biến chứng...”, bác sĩ Thảo nói.

Bác sĩ Trương Hùng Quốc, công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, chia sẻ: “Cứ tết, số lượng bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện đều tăng. Các y bác sĩ trực tết ở các khoa thường “chia lửa” cùng khoa cấp cứu vì đây là khoa vất vả, áp lực nhất bởi hầu hết các bệnh nhân nặng được dồn về... Tết, chúng tôi còn bận rộn hơn ngày thường, nhiều năm hết chuyến này đến chuyến khác xuyên đêm. Tuy nhiên, chúng tôi không xem rằng đấy là vất vả. Bởi đó là công việc mình lựa chọn, quan trọng là đồng hành cùng bệnh nhân, cứu được họ”.

TPHCM: Hơn 16.000 trường hợp cấp cứu dịp tết

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, trong 5 ngày nghỉ tết, từ ngày 3-2 đến hết ngày 7-2 (tức 29 đến mùng 3 Tết Nguyên đán), các cơ sở y tế trên địa bàn TP tiếp nhận 16.154 lượt bệnh nhân khám, cấp cứu do tai nạn. Cụ thể: tai nạn giao thông là 1.530 trường hợp, tai nạn sinh hoạt là 1.586, ngộ độc thức ăn 59 trường hợp (trong đó có 15 trường hợp ngộ độc do bia rượu, 6 trường hợp do ngộ độc thực phẩm); 277 trường hợp nhập viện do đánh nhau; 21 trường hợp nhập viện do pháo nổ và nhập viện do nguyên nhân khác 12.457 trường hợp.

Ngày 8-2, Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 7-2, các bệnh viện trong cả nước đã tiếp nhận khám, cấp cứu 275 trường hợp tai nạn do pháo nổ các loại, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 734 trường hợp, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 trường hợp, giảm 21% so với Tết 2018. 

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục