Ý nghĩa thật sự của điểm 10

Những ngày qua, thông tin một lớp học tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Vũng Tàu) có 42/43 học sinh giỏi khiến lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải chỉ đạo Phòng GD-ĐT Vũng Tàu thành lập ngay hội đồng thẩm định quá trình đánh giá và xếp loại học sinh của lớp này từ khâu xét tuyển đầu vào đến việc chấm điểm các bài kiểm tra một tiết, giữa kỳ và cuối kỳ của học sinh đã tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, trước sức ép khổng lồ của dư luận, một địa phương phải thành lập hội đồng thẩm định kết quả xếp loại học lực của học sinh ở một trường học, dù tình trạng “mưa điểm 10” đã xuất hiện lâu nay và tồn tại ở nhiều tỉnh, thành khác.

Sau hơn 5 ngày làm việc, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, kết quả sơ bộ về việc thẩm định quá trình đánh giá và xếp loại học sinh cho thấy tất cả các khâu đều thực hiện theo đúng quy định; đề kiểm tra học kỳ có phân hóa rõ ràng theo 4 mức độ; công tác chấm thi thực hiện nghiêm túc, loại trừ khả năng sửa điểm cho học sinh. Như vậy, nỗi oan của thầy và trò ở trường này đã được gỡ bỏ. Nhưng vết nứt của sự thiếu lòng tin vẫn còn đó, khiến người trong cuộc không khỏi chạnh lòng.

Lâu nay, ở các buổi lễ tổng kết năm học, nội dung chiếm hầu hết thời gian là phát thưởng và tuyên dương học sinh với những hàng dài dằng dặc các học sinh giỏi chờ gọi tên lên sân khấu nhận thưởng. Quen thuộc và đại trà đến mức trong một lớp học, ai không được khen thưởng sẽ trở thành cá biệt. “Học sinh xếp loại tiên tiến” cũng là một danh hiệu, nhưng khi “học sinh xuất sắc” và “học sinh giỏi” chiếm đa số trong lớp thì cố gắng của những thành viên khác không còn được ghi nhận.

Có thể thấy việc giành suất học khi chuyển cấp, đặc biệt là kỳ vọng của phụ huynh muốn con có bảng điểm đẹp làm cơ sở xét tuyển vào trường chuyên, lớp chọn, thì điểm 10 và những danh hiệu, thành tích… đã trở thành áp lực nặng nề không chỉ với học sinh, phụ huynh mà cả giáo viên. Áp lực điểm số còn đến cả môn bổ trợ như thể dục, tin học, khiến người thầy cũng phải đối diện nhiều tình huống bi hài như phụ huynh xin điểm, đồng nghiệp xin điểm để không làm ảnh hưởng kết quả đánh giá học lực cuối năm của học sinh.
 
Đối với bậc tiểu học, Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành từng được xã hội ghi nhận vì sự tiến bộ khi quy định “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” nhằm giảm áp lực thành tích cho trẻ, qua đó góp phần xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, căn cứ để xếp loại học sinh cuối năm học vẫn dựa vào điểm số các bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm học, bỏ qua đánh giá quá trình học tập của học sinh. Vô hình trung, áp lực điểm số càng đè nặng hơn đối với các bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm học.

Khi tình trạng “mưa điểm 10” xuất hiện ngày càng nhiều cũng là lúc ngành giáo dục gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu hụt kỹ năng sống, lối sống thực dụng, lan tràn bạo lực đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ học sinh. Trong bối cảnh cả nước đang hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất cho người học, các tiêu chí cũng như hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh cần được nghiên cứu một cách toàn diện, khắc phục tình trạng học thuộc lòng, thiếu tính áp dụng thực tế.

Nhiều nhà giáo đang làm công tác quản lý cho rằng, nguyên nhân của bệnh thành tích xuất phát từ cả yếu tố nội tại (thu nhập nghề giáo chưa đủ sống khiến dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại, còn nhiều kẽ hở trong tổ chức tuyển sinh, phân tuyến đầu cấp) lẫn sự thay đổi của mối quan hệ thầy - trò dưới tác động của nền kinh tế thị trường, tâm lý phụ huynh… Do đó, để khắc phục tình trạng đáng buồn hơn là vui này, đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ của cơ quan quản lý mà ở từng nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên phải kiên quyết nói “không” với bệnh thành tích. Trong khi chờ đợi những đổi mới căn cơ hơn từ Bộ GD-ĐT, mỗi giáo viên cần xem mình là hạt nhân quan trọng góp phần thực hiện đổi mới, trong đó nhiệm vụ phối hợp cùng cha mẹ học sinh trong việc giáo dục học sinh đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ khi đẩy lùi được bệnh thành tích thì điểm 10 mới được trở về ý nghĩa thật sự của nó.

Tin cùng chuyên mục