Ý tưởng hay chỉ có giá trị nếu được ứng dụng vào thực tiễn

Ngày 14/11 vừa qua, cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2016 đã chọn ra 3 công trình /sáng kiến tiêu biểu nhất, mỗi công trình nhận giải thưởng 100 triệu đồng: Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học của cô giáo Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre); Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông của tác giả Nguyễn Quốc Huy (ĐH Sư phạm Hà Nội); Ứng dụng Công nghệ mô phỏng Thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe của nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Ý tưởng hay chỉ có giá trị nếu được ứng dụng vào thực tiễn

Chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục:

Ngày 14/11 vừa qua, cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2016 đã chọn ra 3 công trình /sáng kiến tiêu biểu nhất, mỗi công trình nhận giải thưởng 100 triệu đồng: Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học của cô giáo Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre); Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông của tác giả Nguyễn Quốc Huy (ĐH Sư phạm Hà Nội); Ứng dụng Công nghệ mô phỏng Thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe của nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa

Đại diện ban tổ chức chương trình, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long chia sẻ thêm về tâm huyết của người trẻ và hướng đi để các công trình tiêu biểu sớm ứng dụng vào thực tế. 

* Ông từng cho rằng người trẻ chính là những người có nhiều ý tưởng hay để đóng góp cho giáo dục và cũng là đối tượng sẽ mang lại những chuyển biến khởi sắc cho giáo dục. Sau một năm thực hiện chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, nhận định này của ông có thay đổi? Trí thức trẻ đã hưởng ứng cuộc thi như thế nào, thưa ông?

- Tôi luôn tin vào giới trẻ nói chung và trí thức trẻ nói riêng khi nghĩ đến những đóng góp giá trị và tâm huyết của họ đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục. Sau năm đầu tiên thực hiện chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, sự thành công của chương trình càng khiến tôi tin rằng nhận định của mình là đúng. Với 267 công trình, tác phẩm dự thi được tạo ra bởi 371 trí thức trẻ từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, tôi cho rằng cuộc thi đáng lý ra nên ra đời sớm hơn để chúng ta có thể đón nhận được nhiều hơn những đóng góp đáng trân trọng này. Chất lượng của các bài dự thi này đủ thuyết phục để chúng ta cho rằng các trí thức trẻ không hề vô tâm với ngành giáo dục - ngành được xem là “xương sống” trong tiến trình phát triển của đất nước. Với kết quả tích cực của năm đầu tiên thực hiện chương trình, tôi rất hy vọng trong những năm sau, sự hưởng ứng cuộc thi của trí thức trẻ sẽ nhiều hơn về số lượng công trình, số lượng người tham gia cũng như số lượng tỉnh thành.

Ba tác giả /nhóm tác giả có công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2016

* Nhiều ý kiến cho rằng chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục chỉ thành công khi nhiều công trình dự thi được mang vào thực tế. Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư của nhiều nguồn lực xã hội. Vậy Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục sẽ ở đâu trong hoạt động huy động nguồn lực xã hội?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Xin được nói thêm rằng chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục sẽ thành công nhiều hơn nữa nếu những công trình dự thi, sau khi được ứng dụng trong thực tế, thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động giáo dục. Để đưa những công trình, tác phẩm tốt và khả thi đi vào thực tế, chắc chắn sẽ cần có sự tham gia đầu tư của nhiều nguồn lực từ Chính phủ cũng như từ xã hội. Chúng tôi tin rằng các nguồn lực xã hội sẽ rất quan tâm đến việc đầu tư cho những công trình chất lượng một khi họ nhận ra rằng những công trình đó có giá trị cả về kinh tế lẫn xã hội. Hy vọng rằng chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục sẽ là chiếc cầu nối thuyết phục giữa những nguồn lực từ xã hội với các công trình, tác phẩm được tạo nên bởi những khối óc và tâm huyết của trí thức trẻ Việt Nam dành cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

BẢO NGỌC


Dựa trên tính mới và tính khả thi, kết quả của 3 công trình xuất sắc nhất được quyết định bởi ban giám khảo giàu kinh nghiệm. Dưới đây là nhận định của ban giám khảo về chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục năm 2016:

Ông Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chúng tôi coi trọng tính sáng tạo của công trình để phát triển năng lực học sinh. Theo tôi, các công trình khá đa dạng về lĩnh vực giáo dục: chế tạo dụng cụ thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đặc biệt, các em rất trẻ nhưng quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình học hiện nay. 

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Theo tôi, chất lượng của các công trình tương xứng với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi trao đổi kỹ với nhóm tác giả và thấy rằng họ rất đầu tư bài bản. Chất lượng của các công trình cũng đa dạng, có sản phẩm chỉ ở mức ý tưởng hay nhưng có tác phẩm đã được khảo nghiệm nhiều nơi. Theo tôi, để công trình được sản xuất đại trà và có thể thương mại hóa thì các nhóm tác giả cần được hoàn thiện để cạnh tranh với nước ngoài.

Ban giám khảo chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục (từ trái qua): ông Trần Quang Quý, ông Nguyễn Quân, ông Nguyễn Sỹ Dũng và PGS Văn Như Cương

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Về mặt quản lý nhà nước, để ứng dụng các công trình, Nhà nước có thể cấp thêm kinh phí bên cạnh các nguồn lực xã hội như các doanh nghiệp như Tập đoàn Thiên Long. Sau khi tìm ra các sản phẩm có tính mới và thực tiễn, Nhà nước - trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao bộ phận chuyên môn để nghiên cứu thêm về những sản phẩm này. Nếu những sản phẩm từ cuộc thi có giá trị có khả năng tách ra làm một bộ môn riêng hoặc phát triển năng lực người học... thì Bộ nên chấp nhận để đổi mới. Sự vào cuộc của Bộ là cách tốt nhất để ứng dụng các công trình này.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh: “Ngay trong năm đầu tiên, theo tôi, dấu hiệu đáng mừng là thu hút một con số lớn bài dự thi. Hy vọng rằng năm sau sẽ thu hút đông đảo hơn. Về chất lượng, các tác phẩm đã đi sâu vào vấn đề mà giáo dục đang quan tâm. Như vậy, họ đã bám sát vào tình hình thực tế và thể hiện mong muốn đổi mới giáo dục”.

Tiếp tục tìm kiếm các ý tưởng hay cho ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020

Chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình khuyến khích trí thức trẻ dưới 35 tuổi sáng tạo vì ngành giáo dục ở ba nội dung: phương pháp học mới, sáng chế dụng cụ học tập và nghiên cứu giáo dục. Chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục sẽ được tổ chức thường niên và kéo dài đến năm 2020.

Tin cùng chuyên mục