Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012: “Cối điện” không cần điện

Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012: “Cối điện” không cần điện

Đối với vùng cao cái gì cũng có thể trở thành chuyện lạ. Chúng tôi gặp Trưởng bản Giàng A Dê đang cùng dân bản chặt tre để dựng thêm mấy cây cột cho các hộ dân nghèo kéo điện. Ông bảo: “Chuyện cái điện ở bản Tà Ghênh của tao còn lạ hơn nhiều”.

Một buổi nghe về tiết kiệm điện ở buôn làng

Một buổi nghe về tiết kiệm điện ở buôn làng

Trước đây, bản Tà Ghênh chưa bao giờ đồng bào Mông biết dòng điện là gì. Năm 2008 được sự đầu tư của Nhà nước nên bà con Tà Ghênh đã kéo được dòng điện từ dưới chân núi lên dọc theo con đường đất loằn ngoằn mới mở. Gọi là đường nhưng mỗi khi đến khúc cua  nếu đi xe máy phải có hai người. Một ngồi trên xe cầm lái và ga. Người còn lại chạy theo để đẩy nếu leo lên dốc hoặc kéo lại nếu đi xuống dốc. Thế mà có chuyện cô giáo Mai đi xe máy một mình từ chân núi lên trường học và lại từ đó đi xuống núi. Trai Mông chạy ra xem cười tít mắt, khen cô giáo: “Cô mà lấy người Mông mình thì tốt đấy”. Năm sau đến lượt cô giáo đứng xem dân bản kéo dây điện lên Tà Ghênh. Cô không cười mà thót tim thấy những giọt mồ hôi đổ xuống như ướt đẫm con đường mùa cạn. Nhiều vực dốc nguy hiểm, người ta phải buộc dây điện vào dòng dọc sau đó lại buộc vào yên ngựa rồi quất vào mông ngựa cho chúng chạy kéo ngược lên. Kéo đến đâu dựng cột đến đấy. Nhiều chỗ xà beng không thể chọc thành lỗ trên đá để cắm cột thế là dây điện gắn luôn vào vách đá. Sau này bà con hò reo: “Điện về rồi, về rồi nhé”. Câu nói này hàng nghìn năm nay chưa ai nói. Tháng đầu tiên Nhà nước ủng hộ nên bà con dân tộc Mông ở Tà Ghênh không phải trả tiền điện. Từ tháng thứ hai ai dùng bằng nào tính bằng đó theo con số hiện trên công tơ điện gắn đầu hồi mỗi nhà. Điều này ai cũng biết vì Chủ tịch xã Giàng A Lử đã thông báo và Trưởng bản Giàng A Dê cũng nhắc lại hôm họp bản để phổ biến bà con lịch trồng ngô. Điện về Tà Ghênh coi như sự lạ nhưng điện về bà con bảo nhau đi mua sắm máy khâu, ti vi, máy xát gạo thì lại là chuyện thường. Do nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều nên mức độ tiêu thụ ở đây cũng ít. Mặc dù vậy nhưng không ai có tiền sẵn vì vậy phải bán cân ngô, cân sắn để trả tiền điện là điều dĩ nhiên. Dùng điện mà phải bán lương thực chắc chắn sẽ có ngày nhịn đói. Đã bao đời nay không điện dân bản vẫn có ngô lúa ăn, giờ có điện mà phải bán ngô lúa để trả tiền điện thắp sáng bóng, chạy máy xay xát, máy bơm nước thì thật buồn.

Giàng A Dê từ ngày làm trưởng bản chưa một ngày ông không nghĩ. Điều ông nghĩ là làm thế nào để dân bản mình ấm no, để người Mông không còn lạc hậu, đói nghèo. Chiều ấy mưa như sạt núi. Nước chảy thành dòng xoáy sâu vào chân ruộng bậc thang. Giàng A Dê đeo chiếc lù cở và vác cuốc xả nước để tránh vỡ bờ. Bên chân ruộng nhà Trang A Củ có tiếng thùm… thụp… ụp… xoà…  mãi mà không dừng. Thưa thôi nhưng đều. Lại vẫn tiếng giã của cái cối nước. Cái cối nước ở vùng cao thì nhiều. Chỉ cần có nước là cối hoạt động. Cối không cần phải cắm điện như máy khâu, máy xay xát thế mà nó vẫn cho ra gạo trắng, ngô thì vỡ vụn để nấu mèn mén. Cối bà con làm bằng cây gỗ lớn. Thân chày dài khoảng 2m - 3m. Một đầu gắn chày, một đầu khoét rỗng để nước chảy vào. Cối hoạt động theo nguyên lý “bập bênh”. Khi nước từ ống dẫn đổ đầy phần đầu chày thì tự nó bênh lên và chày giã xuống cối. Cứ thế nước vào lại ra. Bà con không phải mất công đứng giã hoặc phải chạy máy xay xát, cứ việc đi nương chiều về chắc chắn có một cối gạo hoặc ngô đã được giã trắng. Để làm một chiếc cối không khó. Mùa hè Tà Ghênh mưa nhiều nếu biết tận dụng sức nước để làm một số việc như giã gạo, ngô, sắn, rong giềng thì sẽ không còn ai phải bán ngô, lúa để trả tiền điện mà điện nếu chuyên dùng thắp sáng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Thế mà từ ngày có điện bà con bỏ gần hết loại cối này, hình như chỉ hộ ông Trang A Giàng, Trang A Củ là còn. Trưởng bản Giàng A Dê quyết định họp dân bản vào một ngày gần nhất để nghĩ và bàn cách tiết kiệm điện.

Đúng hôm trưởng bản cầm trên tay một tờ tranh đến sân trường học thì bà con đã đông đủ. Có người hỏi nhau: Trưởng đi đâu vắng mà mấy ngày nay mới thấy mặt nhỉ? Chưa ai tìm ra câu trả lời thì Giàng A Dê đã nói: “Ngày xưa bản ta chưa có điện bà con phải giã gạo bằng cối nước, xay ngô bằng cối đá. Giờ có điện rồi ngô không còn thấy nhiều nữa, bán nhiều quá, cối không còn thấy đâu nữa vì làm gì còn ngô để mà giã. Nước thì cứ chảy không, chảy lãng phí suốt ngày”. Một người thắc mắc: “Trưởng bản nói gì bọn mình không hiểu?”. Giàng A Dê cầm ra tờ tranh to vẽ bằng tay nhưng dễ nhìn: “Đây gọi là cọn nước hay guồng nước cũng thế thôi. Cái này người Tày, người Thái ở Sơn La, Tuyên Quang làm lâu rồi. Cọn nước làm bằng tre, nứa và đặt cố định ở dưới suối, nước chảy thì cọn quay và múc theo nước đưa lên ruộng cả ngày lẫn đêm. Mình vừa không mất tiền điện, không tốn công sức, lúa thì vẫn được tưới đều”. Đúng là người Mông ở Tà Ghênh chưa có “cọn nước” kiểu như thế thật. Người Tày, người Thái ở vùng thấp no ấm hơn vậy mà họ còn phải nghĩ ra đủ mọi cách để tận dụng những gì tự nhiên ưu đãi. “Người Mông ở Tà Ghênh vẫn đói nghèo, muốn hết đói nghèo phải lung lay cái đầu. Đơn giản như việc học cách tiết kiệm điện cũng là góp phần giảm đói đấy”. Lời trưởng bản không có cánh nhưng ngày hôm sau nó đã “bay” lên tận Thào Sua Chải và Làng Giàng. Người Mông ở Thào Sua Chải lại sáng tạo hơn. Sau dòng nước chảy vào cối giã gạo bà con nghĩ thêm cách tận dụng luôn nó để chạy “củ điện”. Điện này dùng cả ngày lẫn đêm cũng không phải trả tiền cho ai vì chính dòng nước tạo ra điện từ “cái củ” mua về. Hộ nào cũng làm được chỉ cần có “củ điện’ là xong.

Bài dự thi của Hoàng Nghiệp

Bài dự thi xin gửi về: Trung tâm Truyền thông - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Địa chỉ: số 450 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TPHCM. Email: ytuongtietkiemdien2012@gmail.com. Thời gian gửi bài dự thi: Đến hết ngày 22-11-2012. Giải thưởng chung cuộc khi kết thúc cuộc thi: 1 giải nhất: trị giá 25.000.000 đồng, 1 giải nhì: trị giá 15.000.000 đồng, 1 giải ba: trị giá 10.000.000 đồng, 10 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.


Thừa Thiên - Huế hưởng ứng Hành trình Tiết kiệm điện Philips

Vừa qua, hàng ngàn người dân tại xã Quảng Phước và Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hưởng ứng “Hành trình Tiết kiệm điện” do Philips Việt Nam phối hợp với Sở Công thương và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tổ chức. Tham gia Chương trỡnh cũn cú gần 100 đoàn viên thanh niên tại địa phương trong vai trò tình nguyện viên. Đây là lần đầu tiên chương trình được triển khai tại Huế với 4 hoạt động chính:  tặng bóng đèn tiết kiệm điện, tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm điện, thu đổi đèn dây tóc hao điện và giúp người dân lắp đặt thiết bị chiếu sáng mới. Philips Việt Nam đã dành 700 bóng đèn compact EcoHome 18W để đổi miễn phí đèn dây tóc cũ, hỏng cho người dân. Công ty cũng trao tặng 2.100 bóng đèn cho 700 hộ gia đình, mỗi hộ 2 bóng đèn EcoHome 18W kèm theo chuôi đèn và 1 bóng đèn huỳnh quang Philips Lifemax 36W (1,2m). EcoHome 18W là dùng đèn dành riêng cho khu vực nông thôn với các ưu điểm: tuổi thọ cao, hoạt động tốt cả những nơi điện áp thấp hoặc không ổn định, tiết kiệm 80% điện năng so với đèn dây tóc...

Nhiều người dân mang đèn dây tóc đến đổi lấy đèn compact tiết kiệm điện Philips.

Nhiều người dân mang đèn dây tóc đến đổi lấy đèn compact tiết kiệm điện Philips.

Lê Sơn

Tin cùng chuyên mục