Yêu cầu báo cáo cụ thể việc giải quyết 511 khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng

Theo người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.

Sáng 14-11, trình bày báo cáo của Chính phủ trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, năm 2018, tình hình khiếu nại tố cáo (KN, TC) của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nhìn chung tình hình KN, TC từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng.

Yêu cầu báo cáo cụ thể việc giải quyết 511 khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng ảnh 1 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái 

“Đáng chú ý, là một số thế lực đã lợi dụng tình hình KN, TC để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chính của tình trạng này là do công tác quản lý Nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm.

“Còn có tình trạng lạm dụng quy định Nhà nước trong thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng. Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết KN, TC”, ông Lê Minh Khái nói.

Theo người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết KN, TC nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp.

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra (trên 85%). Một số địa phương chưa quyết liệt trong giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong khi đó, theo dự báo của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu kiện của công dân tới đây vẫn diễn biến phức tạp.

Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật KN, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KN.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp phải nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan.

Chính phủ yêu cầu, năm 2019, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc KN, TC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%....

Để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả, Chính phủ cũng đề nghị, Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ giữa các lĩnh vực, hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các quy định dễ phát sinh tranh chấp, KN, TC đông người, vượt cấp.

Các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc giải quyết KN, TC kiến nghị của công dân, nhất là các địa phương xảy ra nhiều vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7% (KN 20.894 vụ việc, đạt 83,4%; tố cáo 6.689 vụ việc, đạt 84,9%).

Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành 1.326 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.201 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức, 901 cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân.

Đánh giá chung về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, năm nay, Báo cáo của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, phản ánh tình hình với nhiều số liệu cụ thể, có địa chỉ rõ ràng. Tuy nhiên, cần làm rõ việc xử lý trách nhiệm của người ra quyết định bị hủy bỏ, sửa đổi; số lượng, tỷ lệ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; số vụ việc đã giải quyết đúng mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan trung ương hoặc khởi kiện ra Tòa án, nhất các vụ việc thuộc nhóm 511 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng…

Yêu cầu báo cáo cụ thể việc giải quyết 511 khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực này, đã trình Quốc hội thông qua Luật Tố cáo và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản của Chính phủ; đồng thời, đã nắm chắc tình hình, kịp thời, thường xuyên chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã dành nhiều thời gian chủ trì các cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức và chủ trì Hội nghị với một số Bộ, ngành và 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bàn giải pháp giải quyết đối với các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Ủy ban Pháp luật thống nhất với các số liệu và đánh giá của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2018, nhưng lưu ý thêm rằng Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tách được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương (như Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự...); chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch.

Về công tác tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời ghi nhận những cố gắng và chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018 đã góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá Báo cáo chưa làm rõ số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo được các cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan cấp dưới giải quyết lại; số lượng, tỷ lệ quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu bị hủy bỏ bởi quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo lần hai…

Việc xử lý trách nhiệm của người ra quyết định bị hủy bỏ, sửa đổi; số lượng, tỷ lệ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; số vụ việc đã giải quyết đúng mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan trung ương hoặc khởi kiện ra Tòa án, nhất các vụ việc thuộc nhóm 511 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng (theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ) cũng cần được phân tích, đánh giá cụ thể.

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ nguyên nhân tại sao nhiều vụ việc đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo lần hai nhưng vẫn tiếp tục bị khiếu nại, tố cáo mà không khởi kiện ra Tòa án. Đây là những vấn đề Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trong việc chuẩn bị báo cáo cho các năm sau.

Tin cùng chuyên mục