Yếu tố chuyên nghiệp

“Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu nhưng lại nhập khẩu 65% - 70% giống lúa lai F1 là điều toàn xã hội không thể chấp nhận”, đó là phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp của FAO (Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc) khi còn là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

“Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu nhưng lại nhập khẩu 65% - 70% giống lúa lai F1 là điều toàn xã hội không thể chấp nhận”, đó là phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp của FAO (Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc) khi còn là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Diện tích gieo trồng lúa lai cả nước chỉ chiếm 8%, tương đương khoảng 600.000ha trong tổng số 7,8 triệu ha lúa canh tác mỗi năm, tập trung chủ yếu các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung bộ. Mỗi năm cả nước nhập 11.000 - 12.000 tấn giống lúa lai F1 để cung cấp cho nông dân trồng khoảng 400.000ha, với giá trị gần 40 triệu USD từ nhiều nước như Ấn Độ, Philippines, nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Lượng giống lúa lai sản xuất trong nước dao động 5.000 - 6.000 tấn tùy năm. 

Như vậy, nếu nghiên cứu để tạo ra giống lúa lai F1 sản xuất ngay trong nước, mỗi năm có thể tiết kiệm gần 40 triệu USD và điều quan trọng hơn, khoản thu nhập này sẽ vào tay của chính người nông dân trồng lúa, giúp bà con nâng cao thu nhập khi giá lúa giống F1 nhập khẩu bán trên thị trường với giá khoảng 80.000 đồng/kg, nếu sản xuất trong nước giá bán rẻ hơn vài chục phần trăm.

Điều đáng nói ở đây, nếu nông dân chịu khó sản xuất giống lúa lai F1, thu nhập của bà con chắc chắn còn được nâng cao hơn, không chỉ giá mua lúa giống F1 giảm xuống mà doanh nghiệp còn mua lại toàn bộ giống F1 với giá cao hơn lúa thường gấp 3 lần/kg trở lên. Đây là con số hấp dẫn trong bối cảnh giá lúa gạo trên thường xuyên ở mức thấp do cung vượt cầu trên thị trường thế giới.

Cuối tuần qua ở TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khảo nghiệm mô hình sản xuất giống lúa lai F1 và sơ kết 1 năm mô hình phát triển hạt lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống trong nước, cho thấy diện tích sản xuất giống cũng như sản lượng giống lúa lai gần đây tăng lên ở phía Nam, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu giống gieo trồng hàng năm, số còn lại phải nhập khẩu.

Điều mà các nhà khoa học và quản lý nhận thấy, các tỉnh phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi sản xuất giống lúa lai F1 để cung cấp cho các tỉnh, thành ở nhiều khu vực cả nước theo hướng “Nam sản, Bắc tiêu” - phía Nam sản xuất giống lúa lai F1, cung cấp cho miền Bắc và các tỉnh sản xuất lúa lai thương phẩm là chiến lược của nhà nước từ hơn 10 năm trước. 

Mô hình trồng giống lúa lai F1 giống 903 kháng bạc lá đang phát triển tốt với diện tích 90ha tại Trại giống Nông nghiệp Cờ Đỏ (Hậu Giang), Kiên Giang. Trà lúa chín đều, năng suất lúa có thể đạt 3,7 tấn/ha, trong khi năng suất của giống lúa này ở các nơi khác chỉ đạt bình quân từ 2,2 - 2,5 tấn/ha. Đầu ra giống lúa lai F1 được SSC mua lại toàn bộ với giá 19.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với các giống lúa hàng hóa khác, như vậy, mỗi hécta trồng lúa lai F1, nông dân thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/ha.

Thế nhưng, để mở rộng diện tích trồng các giống lúa lai F1 nói trên cần phải có nông dân tiên tiến, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, yếu tố cần có hiện nay trong bối cảnh cả nước hội nhập ngày càng sâu vào khu vực và thế giới như Cộng đồng ASEAN, TPP… là yếu tố chuyên nghiệp, không chỉ tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác giống theo yêu cầu. Thu nhập cao không thể đi với sự dễ dãi, điều mà nông dân Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL cần phải khắc phục.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục